Không chấp nhận hành vi “bảo kê” đã trở thành tai tiếng của CSGT Đồng Nai?
Vụ 2 cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Đồng Nai tố cấp trên “bảo kê” xe vi phạm được báo chí đăng tải vài ngày qua là một bê bối không mới. Bộ Công an cần điều tra và thông tin cho dư luận, nếu đủ chứng cứ thì khởi tố vụ án.
Xe vi phạm “mua đường”, cần xử lí nghiêm hành vi “bảo kê”
Trước giờ, dư luận đã râm ran chuyện xe quá tải, quá khổ “mua đường”, chạy bạt mạng nhưng hiếm khi có được bằng chứng cụ thể. Bởi lẽ, người trong cuộc không ai dại gì tung ra chứng cứ vì chẳng khác khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Vì vậy mà chuyện “bảo kê” xe vi phạm, xe quá khổ ai cũng biết nhưng “bắt tận tay, day tận mặt” là việc không hề dễ dàng.
Theo thông tin ban đầu của các cơ quan báo chí phản ánh, có hai sỹ quan của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai trong một tháng qua đã có đơn tố giác cấp lãnh đạo ở đội và phòng có hành vi “bảo kê,” can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông, không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ.
Ngay sau việc vụ 2 cán bộ CSGT tỉnh Đồng Nai tố cấp trên “bảo kê” xe vi phạm được báo chí đăng tải, chiều 25/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo, giao Thanh tra Bộ Công an và một số đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai can thiệp xử lý xe quá tải; báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trong thời gian sớm nhất. Sự chỉ đạo vào cuộc sớm của Bộ trưởng Bộ Công an, đã cho thấy sự nhạy bén của người đứng đầu ngành để xây dựng bộ máy trong sạch, liêm chính.
Một số người có chức vụ đang công tác tại Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai bị cấp dưới tố bảo kê cho nhiều đoàn xe quá tải, kèm theo “nhân chứng, vật chứng” khá rõ ràng là các video clip ghi lại hình ảnh, giọng nói của những “lãnh đạo” trực tiếp can thiệp.
Khi xem hình ảnh phản cảm trên, dư luận không chỉ bức xúc vì hành vi mãi lộ của các vị CSGT biến chất, mà còn bức xúc vì hành động trên đã xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín của hàng ngàn CSGT chân chính trên khắp cả nước. Đó là những CSGT trầm mình trong bão lũ để cứu hộ người dân, là những CSGT tìm mọi cách để chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, hay những CSGT không sợ hiểm nguy, truy bắt bằng được những kẻ gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, những tên quái xế đua xe đe dọa tính mạng người tham gia giao thông…
Có không ít CSGT vì hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ an toàn cho nhân dân mà máu đã rơi, vết thương loan lỗ đầy mình, thậm chí là có chiến sĩ đã hy sinh. Những người công an nhân dân chân chính vì sứ mệnh, cống hiến hết mình kể trên đã để lại biết bao sự mến phục trong dân. Vậy mà một số cá nhân biến chất trong hàng ngũ công an nhân dân lại lợi dụng sắc phục cao quý đó để thực hiện hành vi sai trái, trục lợi, không những không cống hiến cho nhân dân mà ngược lại còn sách nhiễu dân. Những thành phần như thế này rất đáng bị trừng phạt thích đáng.
Có thể nói, với những chứng cứ quan trọng này, cơ quan có thẩm quyền khó có thể cho qua, nhất là vụ việc có dấu hiệu hình sự, chứ không đơn thuần là vi phạm quy định của ngành.
Không chấp nhận hành vi “bảo kê” đã trở thành tai tiếng của CSGT Đồng Nai?
Đồng Nai là địa phương có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành…; mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe lưu thông. Món lợi từ việc “bảo kê” những chuyến xe quá tải không phải là nhỏ. Từ lâu, CSGT tỉnh Đồng Nai là nỗi ám ảnh của cánh tài xế.
Đây không phải lần đầu, CSGT tỉnh Đồng Nai bị tai tiếng “bảo kê” cho xe quá tải. Dư luận có quyền đặt nghi vấn ngoài hai vụ việc nêu trên thì một số người đang công tác tại Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai còn “bảo kê” bao nhiêu đường dây nữa và phí “bảo kê” mỗi tháng bao nhiêu cho một xe, số tiền này đi đâu, về đâu, ai hưởng?
Gần đây nhất, vụ “Đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ” trong đường dây logo “xe vua” đã bị TAND Cấp cao tại TP HCM hủy án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với 80 người là CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) các địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định có người “đưa hối lộ”, có người “làm môi giới hối lộ” và đã khởi tố. Dù có nhiều chứng cứ chứng minh “đầu cuối” có “nhận hối lộ” nhưng vì họ không thừa nhận nên không truy cứu trách nhiệm hình sự!
Hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo đều xác định được thời gian, không gian đưa hối lộ; nhận diện được một số CSGT, Thanh tra giao thông trong số 80 người nhận tiền. Do đó, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao tách hành vi này thành vụ án khác, làm rõ trách nhiệm những người nhận hối lộ.
Trước đó, các cơ quan báo chí phản ánh về việc can thiệp xử lý xe quá trọng tải của một số cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng.
Đại tướng Tô Lâm yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương xác minh, phối hợp, xử lý vấn đề này; nếu phát hiện cán bộ, chiến sỹ sai phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của lực lượng công an nhân dân.
Còn nhớ, trong phiên trả lời chất vấn hồi tháng 6/2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn về vấn đề có chiến sĩ không chịu được áp lực đã bảo kê, hợp tác với tội phạm, chủ trương của Bộ Công an là kiên quyết loại trừ ra khỏi lực lượng.
Trong khi hàng ngày có biết bao CSGT chiến đấu hết mình với quái xế; quên đi tính mạng, đấu tranh, truy bắt hung thần xa lộ, để đem lại sự bình yên cho người dân tham gia giao thông. Thì thỉnh thoảng, đâu đó lại xuất hiện hình ảnh một vài cảnh sát giao thông biến chất, ngang nhiên mãi lộ, làm luật với người dân, boi nhọ uy tín của lực lượng, đó là điều không thể chấp nhận.
Chính vì thế, nếu cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc lãnh đạo CSGT Đồng Nai bị tố “bảo kê”, sẽ có một số cán bộ bị kỷ luật, thậm chí hoàn toàn có khả năng bị xử lý hình sự nếu những bằng chứng kia là xác thực.
Nhưng “thà đau một lần”, thà loại khỏi ngành những người lợi dụng chức vụ được giao để trục lợi, chứ không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng “bảo kê” như vừa rồi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà nước và của ngành công an.
Dư luận cả nước đang chờ người có thẩm quyền của Bộ Công an và Công an tỉnh Đồng Nai xử lý vụ việc này.