+
Aa
-
like
comment

Không chấp nhận hành động vô kỷ cương thời COVID-19

Phạm Minh Hà - 13/04/2020 01:06

Không thực hiện đúng nghĩa vụ, có hành vi chống đối, công dân ấy phải bị xử lý để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Đó là những bản án thích đáng dành cho những kẻ “bất tuân pháp luật”, cố tình thực hiện trái Chỉ thị số 16/CT-TTg về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Việt Nam và toàn thế giới đang bước vào những thời khắc lịch sử quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Thế nên ở thời khắc này, mỗi ý thức cá nhân, công dân tuân thủ nghiêm túc biện pháp cách ly xã hội, như một cách góp phần đẩy lùi dịch bệnh này.

Nhưng đâu đó vẫn còn những hành vi coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước. Đặc biệt trong thời điểm này là không thể dung thứ.

Việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với mọi người dân cơ bản nhất chính là hãy ở nhà nhiều hơn, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết; hãy đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn… Nhưng ở một số nơi trong những ngày qua đã xuất hiện một số cá nhân phản ứng một cách tiêu cực đối với lực lượng làm nhiệm vụ khi bị nhắc nhở phải đeo khẩu trang hoặc đo thân nhiệt theo quy định.

Điểu hình như hành động của Ông Phạm Văn Xoan ở thôn Tây An, xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương liên tục có những lời lẽ xúc phạm, thậm chí dọa đánh cán bộ trực chốt khi bị nhắc nhở “phải đeo khẩu trang khi ra đường”; Bà Vũ Thị Thu Vân ở số 92 Đình Đông, phường Đông Hải, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng còn giật khẩu trang và tát vào mặt chiến sĩ công an khi bị yêu cầu đo thân nhiệt; chủ quán cà phê “Ba cô gái”, thuộc khu phố Tân Thuận, thị trấn Vân Canh (Bình Định) không chấp hành, còn vác mã tấu đuổi đánh đoàn công tác; Trần Văn Sơn ở phường Nhị Châu, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương định dùng dao chém Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường vì “dám” nhắc nhở mẹ Sơn phải đeo khẩu trang…

Thậm chí, những hành động tiêu cực này còn có xuất hiện trong cả bộ máy nhà nước, như một phó chủ tịch HĐND huyện tại Bình Phước không chấp hành, vì cho rằng “tại sao xe khác không bị kiểm tra”, đồng thời lớn tiếng, đập bàn cự cãi tại chốt kiểm soát.

Phó chủ tịch HĐND huyện tại Bình Phước bị kiểm điểm vì hành vi lớn tiếng, đập bàn cự cãi tại chốt kiểm soát.

Theo quy định của pháp luật, những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm khắc để răn đe. Việc không đeo khẩu trang, tức là không bảo vệ chính mình mà còn vi phạm hành chính; khi bị nhắc nhở lại chống đối, cãi vã thậm chí là tấn công người thi hành công vụ.

Theo quy định không đeo khẩu trang bị phạt, ngoài ra nếu có nhiễm virus mà truyền lại cho người khác có thể bị xử phạt bằng luật hình sự có thể đến 10 năm tù…Đây là lúc pháp luật cần phải được thực thi một cách nghiêm khắc nhất.

Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội, giãn cách cộng đồng ở phạm vi cả nước vừa qua. Thì tại một số cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự đã vẫn có biểu hiện không dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự” theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Điển hình như tại Hà Tĩnh từ tối ngày (4/4) đến sáng ngày (5/4), nhiều giáo xứ trên địa bàn tỉnh vẫn rung chuông làm lễ với sự tham gia của hàng trăm người ở mỗi địa điểm.

Điều này đã hoàn toàn đi ngược lại với lời nói của Giáo hoàng Francis từng nói rằng: “Người giáo dân tốt phải là công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc…”.

Hay điển hình nhất đó chính là vào ngày 10/4, HĐXX TAND H.Tiên Yên, Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Đào Xuân Anh (30 tuổi, ngụ xã Đông Hải, H.Tiên Yên) 9 tháng tù giam vì tấn công lực lượng phòng chống Covid-19.

HĐXX TAND H.Tiên Yên, Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Đào Xuân Anh (30 tuổi, ngụ xã Đông Hải, H.Tiên Yên) 9 tháng tù giam vì tấn công lực lượng phòng chống Covid-19.

Trước đó, chiều 4.4, trên đường xã Đông Ngũ (H.Tiên Yên) lực lượng chức năng phòng chống Covid-19 phát hiện Anh đi xe máy cùng một người khác, cả hai không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang.

Khi bị tổ công tác yêu cầu cả 2 phải đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm, Anh đã có hành vi xúc phạm và dùng mũ cối đánh 2 thành viên tổ công tác tại chốt kiểm soát. Sáng 5/4, Đào Xuân Anh ra trình diện cơ quan công an và thừa nhận về hành vi sai trái của mình.

Có thể nói, đây là vụ án đầu tiên ở Quảng Ninh cũng như trên cả nước thực hiện diễn ra trong thời gian cách ly xã hội, được xét xử lưu động, truyền hình trực tuyến và xét xử về hành động bất tuân pháp luật của một cá nhân vi phạm, có hành vi chống đối, gây mất an ninh trật tự.

Nói đến cuộc chiến chống Covid-19, công cuộc phòng chống đang ở thời điểm khó khăn, trước diễn biến khó lường, đầy phức tạp như hiện nay. Thì ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân chính là điều cơ bản sẽ tạo nên sự thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đương thời từng nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song người Việt Nam quyết không sợ”.

Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chân lý nổi tiếng làm cho lời kêu gọi ngày 17-7-1966 có sức lan tỏa rất xa và có sức mạnh tập hợp đoàn kết rất mạnh mẽ, đồng thời khẳng định một niềm tin lớn vào ngày mai.

Đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và “đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Giá trị thực tiễn của lời kêu gọi đó hơn 50 năm trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta chống dịch có thể kéo dài vài tháng, một năm hoặc lâu hơn.

Một số ngành kinh tế có thể bị trì trệ, một số vấn đề như việc làm, giáo dục, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn có thể là bài toán lớn. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, sẵn sàng cùng Chính phủ chung tay chống dịch bệnh, đẩy lùi dịch bệnh. Bởi không có gì quý hơn sức khoẻ và sinh mạng nhân dân, đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ có thể nhanh hơn, giàu hơn và thành công hơn. Nhưng trước hết, chúng ta hãy “ở nhà là yêu nước” và cùng lên án các hành động vô kỷ cương phép nước.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều