+
Aa
-
like
comment

Không chấp nhận đầu tư rủi ro, không thể có nhân tài

14/07/2020 09:29

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, dự kiến tháng 8 tới trình Thủ tướng ban hành. 

Quy luật ‘Cái quan định luận’  

Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc thu hút, trọng dụng và tạo môi tạo môi trường thuận lợi cho nhân tài phát huy sở trường là rất quan trọng. Bất cứ chế độ nào, nhà nước nào, cơ quan nào, thời điểm nào cũng quan tâm đến việc thu hút và trọng dụng nhân tài.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát thực tế cũng cho thấy nhận thức, quyết tâm của một số bộ, ngành, địa phương chưa cao, thiếu quyết liệt trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp thu hút nhân tài về làm việc, trong đó có việc trọng dụng và tạo môi trường thuận lợi cho nhân tài phát huy tài năng, sở trường.

Không chấp nhận đầu tư rủi ro, không thể có nhân tài
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Minh Đạt

Trong thời gian qua, vấn đề trọng dụng nhân tài được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, mỗi địa phương cũng có chính sách về việc này, có nơi khá thành công, có nơi chính sách không phù hợp.

Hiện nay các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đan xen nhau không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và còn nhiều vấn đề.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đề án “Mê Kông 1000” đào tạo những nhà khoa học, thạc sĩ, đại học ở các quốc gia trên thế giới bằng nguồn kinh phí của cơ quan nhưng khi về bố trí sử dụng không phù hợp.

TP.HCM cũng có chương trình đào tạo, nhiều địa phương có chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài nhưng sử dụng, giữ được người tài và tạo điều kiện cho người tài có môi trường phát huy tốt hơn còn khó khăn và bất cập.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhận định, trong chu trình chính sách có nhiều khâu, trong đó có khâu nghiên cứu tiền khả thi để đề xuất chính sách (có nơi còn gọi là phòng thí nghiệm chính sách). Nhân tài, dù tiến hành nghiên cứu cơ bản ở khâu tiền khả thi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên kỹ thuật, khoa học công nghệ hay khoa học xã hội và nhân văn đều luôn hàm chứa những rủi ro.

Lịch sử các cuộc cách mạng khoa học, các phát minh nổi tiếng trong mọi lĩnh vực đều cho thấy, để đi đến thành công thì phải trải qua nhiều thất bại, tốn kém, thậm chí có những nghiên cứu rất tốn kém mà cuối cùng vẫn không đi đến thành công. Nhưng nếu không chấp nhận đầu tư cho rủi ro thì không thể có thành công.

“Có một bộ tiêu chí chính thức để đánh giá, xác định ai có tài năng thực sự là điều mọi quốc gia, mọi tổ chức và cả xã hội đều mong muốn. Tuy nhiên, đánh giá mọi sự việc, hiện tượng nói chung đã khó, đánh giá con người càng khó hơn. Cổ nhân có câu ‘Cái quan định luận’, nghĩa là chỉ có thể đánh giá một con người cụ thể khi người đó không còn nữa”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông phân tích lịch sử, có những nhân vật chưa thể đưa ra đánh giá cuối cùng dù họ đã cách xa chúng ta hàng nhiều thế kỷ. Đánh giá nhân tài cũng không ngoài quy luật chung đó, nên khó có thể đưa ra bộ tiêu chí chính thức.

Cũng vì khó đưa ra tiêu chí đánh giá, nên cũng khó đưa ra định nghĩa thế nào là nhân tài. Đến nay khái niệm thế nào là nhân tài cũng đang là một vấn đề, mỗi quốc gia có khái niệm khác nhau.

Có thể kể ra rằng  Albert Einstein là thiên tài, Isaac Newton là thiên tài, Karl Marx, Friedrich Engels, V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bởi những cống hiến, đóng góp của họ đã được lịch sử minh chứng và cả cộng đồng quốc tế công nhận, thừa nhận.

“Song, sẽ rất khó để chỉ ra một người cụ thể, đang trong một độ tuổi nhất định có phải là nhân tài hay không, bởi những cống hiến, đóng góp của họ cần có thời gian để kiểm chứng trong thực tiễn”, Bộ trưởng Nội vụ phân tích.

Phải bảo vệ nhân tài

Bộ trưởng Nội vụ cho hay, Chính phủ xác định rõ, cần ban hành cơ chế, chính sách để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững.

Đó là các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ. Trong đó phải hướng vào 2 trọng tâm là xây dựng thể chế phát triển bền vững (về kinh tế, về xã hội, về tài nguyên và bảo vệ môi trường) và nhân lực chất lượng cao.

“Tài nguyên thiên nhiên thì hữu hạn, còn thể chế tốt và nhân lực tốt là tài nguyên vô hạn”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Ông dẫn kinh nghiệm thành công của các quốc gia phát triển trên thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… và lưu ý “phải hướng vào ưu tiên có thể chế tốt và nhân lực tốt”.

Theo tư lệnh ngành Nội vụ, cần rút ra bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển để có thị trường nhân lực, thị trường tài chính, thị trường khoa học, công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Do đó, theo ông Tân, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài ban hành thời gian tới cần chú ý đặc điểm rất quan trọng này để làm sao tạo được môi trường tốt nhất có thể cho nhân tài phát huy tài năng, sở trường của họ để cống hiến cho đất nước, dân tộc và nhân loại.

Môi trường đó bao gồm cả môi trường pháp lý, môi trường học thuật. Song điều quan trọng là chính sách, pháp luật thu hút nhân tài không chỉ là để phát huy mà còn phải bảo vệ nhân tài, tạo ra an toàn pháp lý cho nhân tài yên tâm làm việc, cống hiến, đóng góp đúng với tài năng, sở trường của họ.

‘Người đứng đầu phải là minh chủ’ 

TS Dương Quang Tung, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước cho rằng, nhân tài không phụ thuộc vào bằng cấp, nhiều người học giỏi chưa chắc đã là nhân tài. Thu hút nhân tài nhưng phải trọng dụng, hai vấn đề này phải gắn với nhau.

Để thu hút, trọng dụng nhân tài, phải tập hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ mỗi đãi ngộ và muốn trọng dụng thì người đứng đầu phải là minh chủ, biết sử dụng người.

“Người đứng đầu không khách quan, không dẫn dắt được nhân tài mà đưa những người kém cỏi lên quản lý nhân tài thì không phát huy sự tự do sáng tạo của nhân tài, rồi kèn cựa, nịnh nọt… làm thui chột nhân tài”, ông Tung lưu ý.

Theo GS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhân tài cần được chia từng cấp bậc, cấp độ khác nhau để áp dụng chính sách phù hợp. Có những người có tài làm thay đổi nhận thức của nhân loại, thế giới và có trên nhiều lĩnh vực thì đó là đại thiên tài. Có những người tài trả lời hướng đi hàng trăm năm và lĩnh vực nào cũng có nhân tài.

Phúc Nguyên/ VNN

Bài mới
Đọc nhiều