Không cần tích trữ hàng hóa trong thời gian cách ly toàn xã hội
Ngoài các điểm bán hàng hiện có, các địa phương bố trí các điểm bán hàng mới bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Đặc biệt, giao Bộ Công Thương, UBND các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn báo cáo tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó chú trọng vào mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang….Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 05 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.
Sở Công Thương các tỉnh thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có);
Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có các phướng án cụ thể. Trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động, các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.
Trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động. Khi đó Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.
Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).
Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.
Hàng hóa cung cấp đủ 3-6 tháng, dân không cần tích trữ
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, nội dung chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. Theo đó, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op vẫn hoạt động bình thường nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của toàn xã hội, bà con yên tâm, không cần tích trữ.
Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, hệ thống Saigon Co.op đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh …
Ông Đức khẳng định: “Người dân có thể ăn 3- 6 tháng cũng không hết”.
Ngoài nguồn cung vào đều đặn mỗi ngày, hiện đơn vị dự trữ 11 nhóm sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, giấy vệ sinh,…. Để có được sự ổn định này là do đơn vị nhận định được vấn đề dịch bệnh nên lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2, với lượng trữ giống như cho mùa Tết.
Saigon Co.op đã đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm của Saigon Co.op tại Bình Dương, miền Tây, miền Bắc, ngoài ra còn đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các nhà cung cấp; dự trữ tại kho các siêu thị để kịp thời cung ứng hàng; có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị thuộc vùng dịch: Hà Nội, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng …
Đồng thời theo dõi sát tình hình diễn biến lây nhiễm bệnh do Covid-19 tại các tỉnh thành, phối hợp với các nhà cung cấp, kho trung tâm Saigon Co.op, siêu thị trong khu vực chuyển hàng hóa về vùng dịch kịp thời.
Về giá bán, Saigon Co.op không tăng giá với phần lớn sản phẩm, thậm chí đơn vị còn tổ chức rất nhiều chương trình giảm giá, chấp nhận thua lỗ để giữ giá thật tốt cho người dân.
Ngoài ra, để tiện cho việc hạn chế ra ngoài của người dân, ngoài tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm qua điện thoại, Saigon Co.op cũng tiếp nhận đơn hàng qua viber/zalo/phát phiếu mua hàng đến tận nhà khách hàng. Khách hàng chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua kênh này, siêu thị sẽ “ship” hàng về tận nhà.
Còn đại diện Tập đoàn Masan cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2020, khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Masan đã chủ động xây dựng kịch bản toàn diện và chi tiết để ứng phó với dịch bệnh tại hệ thống chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+, đảm bảo cung cấp đầy đủ các hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm (gạo, thịt, mỳ tôm, thực phẩm chế biến, hàng đông lạnh…) với giá cả bình ổn đến tay người tiêu dùng.
Hệ thống siêu thị đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa đến quý 2/2020. Tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy trong hệ thống Masan nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt.
Giao công ty VinCommerce- công ty con của tập đoàn Masan kết hợp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc đảm bảo cung cấp đầu đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân tại 63 tỉnh, thành thông qua hệ thống hơn 3000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+.
Đồng thời, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín của Việt Nam, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân như sữa, đường, muối, mì, thịt… Cải thiện phương thức bán hàng, mở rộng diện phục vụ bán hàng và giao hàng đến tận nhà.
Thành Nhân