Không cần thiết phong tỏa tạm thời toàn trường khi có F0
BS Trương Hữu Khanh và BS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc phong tỏa tạm thời toàn trường hay một khu vực khi trong trường xuất hiện ca mắc Covid-19 là điều không cần thiết.
“Thế con đi học phải mang theo một va ly đồ cá nhân, bàn chải đánh răng, khăn mặt, mì ăn liền, bánh trái, sữa… Xác định có F0, cả lớp cách ly tại trường, ăn mì tôm, ngủ trên bàn học. Còn tắm rửa thì thế nào?”, một phụ huynh bình luận trước thông tin Hà Nội sẽ phong tỏa tạm thời toàn trường hoặc một khu vực nếu có ca mắc Covid-19 trong trường.
Phong tỏa trường học là chủ đề được nhiều phụ huynh, giáo viên băn khoăn vì phải bảo chuyện ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ cũng như an toàn của học sinh như thế nào, nếu phải ở lại trường một thời gian.
Chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất
Cô Đỗ Thị Bảy, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, thừa nhận thực ra trong giai đoạn dịch như hiện nay, không ai nói trước được điều gì. Do đó, tất cả nên chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, trường tuyên truyền cho phụ huynh để họ nắm được những vấn đề có thể xảy ra, phối hợp nhà trường trong trường hợp xấu nhất.
“Lâu ngày không đến trường, học sinh rất muốn đi học. Phụ huynh cũng như xã hội lo lắng. Chỉ có điều, chúng ta cố gắng đưa ra phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn cho các con”, cô Bảy nói.
Cô thông tin trường THPT Phan Đình Phùng đã phân công rất rõ người, rõ việc cho các trường hợp, đặc biệt đội ngũ văn phòng, giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Mỗi người đều có nhiệm vụ nhất định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi đón học sinh trở lại.
Sáng 6/12, 1/2 trong số hơn 600 học sinh lớp 12 của trường sẽ đến lớp, số còn lại đi học vào hôm sau, ngoại trừ một giáo viên đang trong diện F2 mà F1 chưa có kết quả xét nghiệm âm tính và một học sinh là F0 vừa bình phục được 3 ngày, cần theo dõi thêm.
Trường hợp có ca nhiễm SARS-CoV-2 trong trường, việc đầu tiên là báo cho bộ phận y tế, phối hợp các ban ngành, học sinh, giáo viên ở đâu ở nguyên đấy, đưa F0 an toàn về phòng y tế cách ly tạm thời. Nhà trường phối hợp bên y tế để có bước xử lý tiếp theo.
Trường cũng tiến hành truy vết, xác định những học sinh trong lớp đó và lớp khác có tiếp xúc ca F0.
Cô cho hay nếu phải phong tỏa tạm thời toàn trường hay một khu vực, để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch, trường cần phối hợp bên y tế. Trong khi đó, liên quan vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ của học sinh, trường cần đến sự phối hợp từ phụ huynh để tạo điều kiện cho các em.
Phó hiệu trưởng trường Phan Đình Phùng nói rõ hơn nếu học sinh phải ở lại, bếp ăn của trường sẽ được sử dụng để nấu ăn cho các em.
Tuy nhiên, vì không phải là trường bán trú, trường chỉ có thể sắp xếp cho học sinh ở lại phòng học, tận dụng tất cả cơ sở vật chất, tách các em thành nhóm nhỏ để đảm bảo giãn cách.
Trong khi đó, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), cho biết trong trường hợp phải phong tỏa tạm thời, trường thuận lợi hơn các trường khác vì theo mô hình bán trú, có bếp ăn, sĩ số học sinh một lớp ít và bàn ghế vốn được thiết kế để học sinh có thể nghỉ trưa tại lớp.
Dù chưa đón học sinh trở lại trường do chỉ mới có học sinh khối 10 và trước khi Sở GD&ĐT Hà Nội điều chỉnh kế hoạch, trường cũng thông báo phụ huynh việc tiếp tục dạy học trực tuyến, trường THPT Mỹ Đình đã chuẩn bị tất cả cơ sở vật chất cần thiết cho việc chuyển sang dạy học trực tiếp, kể cả trường hợp phải phong tỏa tạm thời.
Cô Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay sĩ số học sinh của trường ít, số lượng phòng học lớn nên vấn đề nghỉ ngơi của các em không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, về việc đảm bảo ăn uống, nghỉ ngơi cho học sinh trong trường hợp phải ở lại trường vì phong tỏa tạm thời, trường phải chờ hướng dẫn từ ngành y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận mới triển khai tiếp do hướng dẫn liên ngành chưa ghi rõ.
Nên cho học sinh tiếp xúc gần về cách ly tại nhàDù các trường đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này, không ít vẫn phụ huynh vẫn lo ngại về những bất tiện trong sinh hoạt cũng như nguy cơ lây nhiễm khi học sinh phải ở lại trường (nếu xuất hiện ca mắc Covid-19).
Trên các diễn đàn, phụ huynh đặt câu hỏi trong trường hợp phải ở lại trường khi thực hiện phong tỏa tạm thời, học sinh sẽ ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào. Chưa kể, trường sẽ sắp xếp như thế nào khi một lớp học có cả nam và nữ.
Ngoài ra, tình huống con đi học với nguy cơ có thể bị phong tỏa tạm thời tạo ra tâm lý hoang mang cho người lớn.
Đồng tình với lo lắng của phụ huynh, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, đặt câu hỏi phong tỏa tạm thời để làm gì vì việc xuất hiện F0 trong trường học là điều gần như không thể tránh khỏi khi học sinh trở lại lớp.
Ông cho rằng nguy cơ lây nhiễm tại trường hay ở nhà là như nhau. Do đó, điều quan trọng là hướng dẫn học sinh cách phòng, chống dịch Covid-19.
Khi xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2, nhà trường nên giải quyết cục bộ, không cần phong tỏa diện rộng. Trường hợp mắc Covid-19 chắc chắn được đưa đi điều trị. Với những học sinh cùng lớp, ông Khanh cho rằng chỉ nên coi những em ngồi xung quanh F0, tiếp xúc gần là F1, cho các em về cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.
Những em còn lại trong lớp đó cũng như học sinh lớp khác tiếp tục đến trường. Việc phong tỏa tạm thời cả lớp, một khu vực hay toàn trường sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác, trong đó có cả tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Phong tỏa tạm thời là bao lâu? Khi nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai sẽ nuôi học sinh? Vấn đề ăn uống, vệ sinh sẽ giải quyết như thế nào? Nếu làm vậy, thà đừng cho học sinh đi học. Cứ sự cố xảy ra lại ‘nhốt’ trẻ lại là không nên”, BS Trương Hữu Khanh nói.
Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng quy định, hướng dẫn xử lý F0 trong trường học của Hà Nội chưa hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
“Xử lý theo cách như vậy sẽ rất khó khăn, tốn kém và làm người dân hoang mang hơn. Nếu Hà Nội vẫn còn e ngại như thế, tôi nghĩ tạm thời chưa cho học sinh tới trường thì hơn”, bác sĩ Dũng nói.
Trưởng khoa Y tế công cộng của ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện nay, khi đón học sinh trở lại, khả năng xảy ra sự cố hoặc có F0 trong trường sẽ rất thường xuyên. Vì cứ 1.000 người, ngẫu nhiên trong vòng 1-2 tuần sẽ có một vài người trở thành F0. Nếu cứ có F0 trong trường học, chúng ta lại phong tỏa tạm thời, cách ly lớp học, xét nghiệm thì rất tốn kém.
Nếu so sánh với các quy định xử lý F0 trong trường học ở các quốc gia khác, khi người lớn đã tiêm ngừa đầy đủ, học sinh cũng được tiêm vaccine, thì những quy định của Hà Nội chặt chẽ quá mức. Thực tế, độ phủ vaccine Covid-19 cho người lớn của Hà Nội đã rất tốt.
Ở Mỹ, khi trường học có F0, chỉ F0 cần được cách ly và đưa đi điều trị. Lớp học đó vẫn hoạt động bình thường nếu trước đó học sinh, giáo viên đều đeo khẩu trang đầy đủ từ đầu. Các em không được xem là F1, trừ khi có bằng chứng đã tiếp xúc, cùng ăn uống với F0. Ngay cả khi học sinh là F1, các em cũng chỉ được theo dõi mà không cần phải về nhà cách ly.
“Trong hướng dẫn xử lý của Hà Nội, F1 được xác định là tất cả học sinh, giáo viên của lớp có F0, như vậy là quá rộng và không đúng. Vì các em đến trường đều có đeo khẩu trang và giãn cách thì nguy cơ lây nhiễm không cao. Ngay cả khi là F1, các em đã tiêm vaccine cũng không cần cách ly”, bác sĩ Dũng nêu quan điểm.
Theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế và Sở GD&ĐT Hà Nội, khi phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong trường học, bên cạnh các biện pháp như tách F0, truy vết, lấy mẫu, trường được phong tỏa tạm thời, lớp nào ở yên lớp đó.
Việc phong tỏa tạm thời được áp dụng đối với khu vực có liên quan người mắc bệnh, tùy thuộc mức độ di chuyển của F0. Diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan F0 theo chỉ định về dịch tễ.
Sau đó, trường học phối hợp cơ quan y tế tổ chức truy vết F1 triệt để tại trường học và cộng đồng. Trường lập danh sách toàn bộ F1. Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được xem là F1, cách ly ngay tại lớp.
Học sinh, giáo viên ở lớp khác là F1 thì tách ngay ra khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định. Trường phối hợp lấy mẫu xét nghiệm F1 theo chỉ định của y tế địa phương, tổ chức cách ly F1 theo quy định.
Nguyễn Sương – Minh Nhật