Không ai lên án bệnh nhân nhưng “bệnh nói dối” thì khó tha thứ
Tôi đồng tình với ý tưởng của tờ New Yorker rằng phải xóa bỏ nạn “bắt nạt” trên mạng xã hội, nhưng tôi nghĩ, họ đã dẫn chứng sai từ nhân vật minh hoạ cho đến luận điểm…
Cho đến thời điểm này, có lẽ không nhiều người còn nhớ tới bệnh nhân (BN) số 17, người được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 7/3/2020 vốn đã khiến “chao đảo” dư luận lúc ấy bởi ca bệnh này từng là được coi là “BN siêu lây nhiễm”, xuất hiện sau 22 ngày đất nước không mắc bất cứ ca mới nào.
Đã có rất nhiều sự kiện diễn ra. Và dù đã lần lượt xuất hiện thêm những bệnh nhân “siêu lây nhiễm” khác, song họ cũng đều đã được chữa trị thành công và chúng ta cũng đã kiểm soát được dịch.
Các bác sĩ vẫn cần mẫn với công việc của họ, vẫn tiếp tục sự nghiệp cứu người. Các khu cách ly vẫn căng mình hoạt động. Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 và các đơn vị phía dưới vẫn không ngừng bám sát diễn biến của dịch để lên phương án ứng phó.
Những cuộc họp, những ca trực triền miên và cả việc cách ly theo yêu cầu công việc… khiến rất nhiều người trong số họ còn không có thời gian về thăm gia đình. BN số 17 chỉ là một trong số gần 1.000 người nhiễm SARS-CoV-2 mà họ đã chữa trị cứu sống. Có lẽ họ cũng chẳng bận lòng trông chờ một câu cảm ơn từ người bệnh đó.
Hơn 90 triệu người dân trên đất nước này cũng vậy. Qua hai đợt dịch Covid-19, vừa chống dịch vừa lao động sản xuất và còn phải đối mặt, vượt qua nhiều khó khăn khác từ thiên tai đến bất lợi của thị trường trong, ngoài nước… Thế nhưng, sự nỗ lực của cả đất nước đã khiến thế giới “nghiêng mình”, Việt Nam trở thành “phép màu kinh tế ở châu Á”.
Tất cả đều bận. Rất bận!
Không ai ngồi một chỗ để cố nhớ lại điều gì đã xảy ra từ hơn nửa năm trước và mãi bắt lỗi một người trẻ từng khiến cả một con phố sầm uất bị phong tỏa, hàng nghìn người bị đảo lộn sinh hoạt, nhiều hộ kinh doanh bị thiệt hại nặng nề…
Dòng chảy cuộc sống vẫn tiếp diễn với sự khắc phục, vươn lên và cả sự vị tha của con người.
Thế nhưng, thật bất ngờ thay, ít ngày trước, “bệnh nhân số 17” cùng chị gái lại tiếp tục “nổi tiếng” theo một cách ít ai ngờ đến khi xuất hiện trên tạp chí The New Yorker của Mỹ để chia sẻ về nỗi khổ trong thời gian chữa bệnh tại Việt Nam.
Trong bài viết đó, cô gái ấy “biến mình” thành một “nạn nhân đáng thương” của những lời chỉ trích và châm biếm trên mạng xã hội, bị “miệt thị cộng đồng”. Cô ta cho rằng điều đó xuất phát từ việc “ở Việt Nam, chúng tôi có quá nhiều đặc quyền – chúng tôi đi du lịch quá nhiều” và nghĩ “nếu đây là Paris Hilton, sẽ không có nhiều ồn ào như vậy”. Cô cũng đổ lỗi cho cơ quan y tế Việt Nam đã không bảo vệ danh tính người bệnh trước sự chỉ trích của xã hội.
Tuy nhiên, bài viết của New Yorker không hề đề cập đến sự gian dối của cô gái ấy trong khai báo y tế để trốn tránh cách ly tập trung và những hệ luỵ của sự gian dối ấy đối với không chỉ cộng đồng mà còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng người thân.
Nếu tất cả những gì mà “BN số 17” ấy cung cấp cho tờ báo chỉ là sự than vãn về cảm xúc cá nhân, thì quả là đáng thất vọng và một lần nữa, cô gái ấy tiếp tục gian dối!
Có hơn 1.000 người nhiễm Covid-19 đã được chữa trị ở Việt Nam. Không ai bị lên án, bị chỉ trích vì không may nhiễm bệnh. Cộng đồng chỉ lên án sự lươn lẹo, dối trá trong khai báo y tế để rồi vạ lây cho người khác mà thôi! Nếu khai báo trung thực, cô ta đã không lây bệnh cho nhiều người, trong đó có cả người bác của cô ta phải nhiều ngày “thập tử, nhất sinh”…
Có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Một người có điều kiện sống tốt và đi nhiều nơi trên thế giới nhẽ ra sẽ có cách ứng xử lịch thiệp, văn minh và trưởng thành hơn, sẽ bớt đi sự vị kỷ mà có trách nhiệm với cộng đồng hơn chứ?
Hãy xem cách ứng xử của những bệnh nhân người nước ngoài được cứu sống tại Việt Nam, hãy xem cách trả ơn đất nước của gia đình doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn khi con gái họ được chữa trị thành công…
“Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn; hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc” – các bạn trẻ có lẽ đều biết câu nói nổi tiếng này của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Nếu chưa thể làm được gì cho Tổ quốc, thì ít nhất bạn cũng nên biết ơn Tổ quốc đã nuôi dưỡng và bao dung mình!
Trên cương vị một người viết báo, tôi đồng tình với ý tưởng của tờ New Yorker rằng phải xóa bỏ nạn “bắt nạt” trên mạng xã hội, nhưng tôi nghĩ, họ đã dẫn chứng sai từ nhân vật minh hoạ cho đến luận điểm…
Bích Diệp/DT