+
Aa
-
like
comment

Không ai được phép dùng tài sản Quốc gia để trục lợi cho mục đích cá nhân

07/12/2021 11:58

Hàng triệu người bức xúc khi  Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận đấu Việt Nam-Lào. Phải chăng đã đến lúc cơ quan quản lý cần bổ sung Luật để quản lý tài sản Quốc gia hiệu quả hơn?

Vào 19 giờ 30 phút ngày 6/12, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam-Lào ở bảng B, AFF Cup 2020 đã diễn ra trên sân vận động Bishan (Singapore).

Khi các cầu thủ bắt đầu ra sân hát Quốc ca, hàng triệu khán giả theo dõi trên nền tảng YouTube đã “chết lặng” khi màn hình hiện lên dòng chữ “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm.”

Thông báo tắt tiếng Quốc ca trên YouTube ngày 6/12. (Ảnh chụp màn hình)

Đây là sự cố hy hữu khi khán giả không được nghe Quốc ca trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Thực tế, nếu theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình thì khán giả vẫn có thể nghe rõ bài hát “Tiến quân ca.” Ca khúc chỉ bị tắt tiếng trên nền tảng YouTube. Vậy nguyên nhân vì đâu mà Quốc ca Việt Nam bị ẩn vì lý do tác quyền?

Lỗi do ban tổ chức trận đấu?

Trước đó, trong trận Việt Nam-Saudi Arabia diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể bật chế độ kiếm tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi “Tiến quân ca” do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo.

Năm 2019, hãng này ra mắt bộ 10 CD mang tên “National Anthems of the World” chứa hơn 400 bài quốc ca trong đó có Quốc ca Việt Nam, do dàn nhạc giao hưởng Slovakia thực hiện.

Bản nhạc của nhạc sỹ Văn Cao thuộc về nhân dân và đất nước Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Video trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa đội tuyển Việt Nam và Saudi Arabia đăng tải trên kênh YouTube FPT Bóng đá Việt đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.

Tuy nhiên, kênh YouTube của FPT không có lỗi, họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi “Tiến quân ca” của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube.

Theo luật, bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất. Chính sự vô tư sử dụng bản ghi “Tiến quân ca” mà không xin phép của ban tổ chức sân, đã khiến các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.

Do đó, trong trận đấu Việt Nam-Lào, dù chưa có bên nào “đánh bản quyền” Quốc ca, nhưng các đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng phần này để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT.

Video các trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng bị tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc. Khi phóng viên liên hệ với Next Media, đơn vị này cho biết sẽ trả lời trong một thông cáo chính thức.

Bảo vệ Quốc ca với ‘luật chơi’ quốc tế

Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi “Tiến quân ca” cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất.

Sự việc lần này cho thấy nếu ban tổ chức sân sử dụng bản ghi có bản quyền thì các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng trận đấu sẽ không phải tắt tiếng, tránh việc vi phạm dẫn đến thiệt hại về kinh tế, cũng như gây bức xúc cho khán giả.

Bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ do đó, tất cả các bên đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền. Theo đó, khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, thì phía Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các bản ghi “Tiến quân ca” có bản quyền nộp cho bản tổ chức sân, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng.

Sự việc khiến hàng triệu người dân bức xúc. (Ảnh chụp màn hình)

Không ai được phép dùng tài sản Quốc gia để trục lợi cho mục đích cá nhân. Song, khi đã hội nhập toàn cầu, Việt Nam cần chấp hành “luật chơi” quốc tế. Người dân bức xúc, doanh nghiệp kêu oan, cuối cùng vẫn chỉ có cơ quan chức năng mới có thể xử lý rốt ráo vấn đề này.

Ngày 15/7/2016, khi tiếp nhận bài hát, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết Bộ được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài hát. Bộ có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Văn phòng Bộ cũng đã giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của bài “Tiến quân ca” cho Cục Bản quyền tác giả. Việc trao tặng này cũng chấm dứt việc hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước phải nộp tiền tác quyền.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội, cho rằng thực tế có những vấn đề liên quan đến việc sử dụng Quốc ca mà Luật chưa bao quát được. Ông Sơn cho rằng cần xin ý kiến của Quốc hội vì các vấn đề như Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca đều do cơ quan đại diện nhân dân này quyết định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền cho biết dường như đang có một sự lách luật khi hãng đĩa nước ngoài bỏ phần lời của tác giả và chỉ phát sóng, đăng tải phần phối nhạc. Chuyên gia này khẳng định tác phẩm đặc biệt như Quốc ca không thuộc phạm vi xử lý của các trung tâm bản quyền mà cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc.

Mặt khác, trong lúc chờ cơ quan chức năng, những người đem hình ảnh Việt Nam đi quốc tế (trong trường hợp này là VFF) cần nhìn nhận vấn đề bản quyền nói trên một cách thấu đáo, chuẩn bị công tác hậu cần kỹ lưỡng, để Quốc ca Việt Nam có thể tới với hàng trăm triệu người xem, nghe trên toàn cầu.

Minh Anh 

Bài mới
Đọc nhiều