Không ai dám tơ hào bởi ngoài pháp luật còn là đạo lý!
“Ghé tai nói nhỏ” với những ai nếu có tư tưởng “ăn không từ thứ gì của dân” rằng: Đồng tiền này không dễ nuốt đâu bởi nó không chỉ là luật pháp mà còn là đạo lý.
Trong những ngày dịch bệnh đầy căng thẳng, đã và đang xuất hiện nhiều thông tin ấm lòng, mở ra nhiều hi vọng…
Có lẽ trước hết, dù số người nhiễm bệnh vẫn tăng, tình hình vẫn phức tạp, song đã có cảm giác như đang “hạ nhiệt”. Trong 2 ngày (5 và 6/4), chúng ta chỉ phát hiện 01 ca nhiễm Virus Covid19 của một du học sinh từ nước ngoài về.
Do phát hiện ngay từ sân bay, mọi biện pháp cách ly đã được thực hiện nghiêm ngặt, hạn chế tối đa sự lây nhiễm.
Hôm nay (7.4), lại tiếp một buổi sáng không thêm bệnh nhân và sẽ có 18 người xuất viện.
Nếu không có gì thay đổi, sắp tới đây sẽ có hàng loạt bệnh nhân sẽ được xuất viện vì được biết, hiện đã có hàng chục người âm tính với virus Covid sau 2 lần xét nghiệm. Hàng chục người khác âm tính lần 1.
Thông tin thứ hai, vào chiều 5/4, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đốc thúc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân đồng thời giao trách nhiệm cho các địa phương:
“Không để tiền hỗ trợ lòng vòng mãi mà người dân không nhận được. Phải rõ ai chịu trách nhiệm về việc này, có phải Chủ tịch UBND tỉnh và dưới tỉnh là huyện, xã, phường không?”. Thủ tướng nói.
Như Dân trí đã đưa tin, sau đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và Bộ Kế hoạch, Đầu tư, Thủ tướng đã giao cho 2 bộ này cùng với Bộ Tài chính triển khai hỗ trợ cho người dân số tiền hơn 61 ngàn tỉ đồng.
Đây là khoản tiền rất lớn với điều kiện tài chính eo hẹp của Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm này, khi mà nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ do dịch bệnh.
Dù số tiền với mỗi trường hợp cũng không lớn (500N – 1,8tr một tháng trong thời gian 3 tháng), nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nó càng có ý nghĩa hơn đối với những người có thu nhập thấp, không ổn định như bán vé số, đánh giày… và cả các bác xe ôm, tài xế taxi trong những ngày ế khách vì dịch bệnh.
Chắc chắn nó sẽ giúp người dân đảm bảo cuộc sống tối thiểu, mang lại niềm tin đồng thời sẽ ấm lòng trong dịch giã.
Sau khi thông tin này được đăng tải, đã có không ít ý kiến lo ngại rằng kinh phí hỗ trợ có đến được đúng đối tượng không? Có bị “xà xẻo” không…?
Những lo ngại này không phải không có cơ sở bởi chúng ta đã từng chứng kiến cảnh “dê lạc lối vào nhà quan huyện”, “gà lầm đường đến cửa trưởng thôn”. Thậm chí đã từng xảy ra cảnh “ăn cả từng gói mì tôm” cứu trợ trong bão lũ…
Tuy nhiên theo tôi, việc phân bổ một lượng tiền quá lớn (hơn 61 ngàn tỉ đồng) cho rất nhiều đối tượng (hơn 20 triệu người) thì sai sót là khó tránh khỏi.
Song, trong tình thế này, khung cảnh này cộng với sự quyết liệt của Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính và Bộ KHĐT cùng với sự giám sát của nhân dân, việc hỗ trợ sẽ được triển khai nhanh chóng và sẽ không xảy ra sai sót lớn.
Trách nhiệm, lòng tin trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chắc không có lãnh đạo địa phương nào dám sao nhãng, lơ là, chủ quan hay khinh suất.
Cũng “ghé tai nói nhỏ” với những ai nếu có tư tưởng “ăn không từ thứ gì của dân” rằng: Đồng tiền này không dễ nuốt đâu bởi nó không chỉ là luật pháp mà còn là đạo lý.
Bùi Hoàng Tám/DT