+
Aa
-
like
comment

Không ai còn có quyền nghi ngờ quyết tâm phòng, chống tham nhũng

13/07/2020 08:03

Khởi tố các ông Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng, Trần Vĩnh Tuyến và bà Hồ Thị Kim Thoa…. Đó là những thông tin nóng bỏng, cho thấy “lò” vẫn rừng rực cháy trong những ngày hè cũng đang nóng bỏng.

Không ai còn có quyền nghi ngờ quyết tâm phòng, chống tham nhũng - 1

Xin nói rõ hơn, ông Vũ Huy Hoàng là cựu Bộ trưởng và bà Hồ Thị Kim Thoa là cựu Thứ trưởng, ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ) đều người của Bộ Công Thương.

Cả ba người đều bị khởi tố bởi tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến là Phó Chủ tịch UBND TP HCM…

Xin không nhắc lại chi tiết vụ việc bởi các bạn có thể xem trên mục Pháp luật của Dân trí hoặc đăng nhập vào các đường link trong phần “Bài liên quan” mà chỉ nói về những suy nghĩ của cá nhân tôi với công cuộc phòng chống tham nhũng, “mặt trận chống giặc nội xâm”.

Cách đây gần 2 năm (12.2018), trong bài “Nghĩ về “phương cách đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng”, tôi viết: “Đó là kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ. Có lý, có tình, thận trọng, không nóng vội, tránh oan sai và đặc biệt là phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó…

Việc này không phải là làm theo phong trào, lúc lên, lúc xuống mà kiên nhẫn, bền bỉ, không ngừng nghỉ.

Tóm lại, ngày nào còn cầm quyền thì ngày đó, Đảng còn phải phòng, chống tham nhũng một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc xử lý luôn có lý, có tình, có cân nhắc công – tội. Có tăng nặng, có khoan hồng khiến đối tượng tâm phục, khẩu phục…

Đã từng có ý kiến cho rằng xử mấy ông nghỉ hưu thì không nhiều giá trị vì họ đã hạ cánh rồi.Thế nhưng nhìn sâu xa, đây là “đòn cân não” mang tính răn đe rất cao. Đã vi phạm thì còn sống ngày nào, còn đứng trước nguy cơ bị phát hiện, xử lý ngày đó.

Đối tượng xử lý cũng hết sức đa dạng. Nghỉ hưu có, chuyển công tác có, đương chức có và thậm chí đang thi hành án, khi phát hiện vẫn tiếp tục qui trách nhiệm. Việc xử lý không có vùng cấm từ UV BCT cho đến cán bộ, đảng viên nếu sai phạm đều không có chuyện “tha”.

Theo người viết bài này, với phương cách phòng, chống tham nhũng hiện nay, có thể nói Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa sâu sắc phương cách của cha ông để lại. Đó là “Đánh chuột, không để vỡ bình”, “Trị một người, cứu vạn người” và “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”.

Nghiêm khắc và nhân văn, đặc biệt là lấy giáo dục, răn đe làm đầu mới là phương cách phòng, chống tham nhũng sâu xa nhất”.

Giờ đây nhìn lại, càng nhận thấy quyết tâm kiên quyết chống “giặc nội xâm” với phương châm kiên trì, bền bỉ và không ngừng nghỉ sâu sắc, nhân văn và hiệu quả.

Vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng xảy ra đã lâu. Cách đây gần 4 năm,  ông Hoàng và bà Thoa đã bị kỉ luật cách chức. Tưởng rằng sự việc như thế rồi sẽ qua.

Chợt nhớ lại vụ việc khởi tố ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nghỉ hưu từ 6 năm trước (ông Hồng nghỉ hưu năm 2012, bị khởi tố năm 2018) là một thông điệp mạnh mẽ rằng đã vi phạm thì còn sống ngày nào, còn đứng trước nguy cơ bị phát hiện, xử lý ngày đó.

Không chỉ với cán bộ đã nghỉ hưu, nhiều cán bộ thuộc hàng lãnh đạo, thậm chí có người ở vị trí rất cao cũng bị xử lý lúc đương chức mà việc khởi tố, khám xét nhà ông Trần Vĩnh Tuyến Phó Chủ tịch UBND TPHCM vừa mới xảy ra càng chứng tỏ quyết tâm kiên trì, bền bỉ, không ngừng nghỉ, phát hiện đến đâu xử lý đến đó.

Công bằng nhìn lại, do một thời gian khá dài, công cuộc phòng chống tham nhũng kém quyết liệt, chưa hiệu quả khiến không ít người thiếu niềm tin.

Song, giờ đây, với những việc làm vừa qua, dù có thiếu thiện chí đến đâu thì cũng không thể nghi ngờ sự quyết liệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

“Lò” đang rừng rực cháy trong những ngày hè nóng bỏng.

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều