Khởi tố vụ bệnh nhân 1342, tại sao các bệnh nhân BN17, NN34, BN178 không bị xử lý?
Sau khi khởi tố vụ bệnh nhân 1342, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu các cơ quan chức năng có xử lý hồi tố đối với Bệnh nhân số 17 (N17) và N34, N178 hay không?
Trưa 3/12, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP HCM, chủ trì họp báo công bố khởi tố vụ án nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342, đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại khu cách ly riêng của Vietnam Airlines, sau đó tiếp tục vi phạm quy định cách ly khi được cho về nhà làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015.
Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống Covid-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bị xem xét xử lý hình sự.
Theo đó, Cơ quan chức năng xác định, bệnh nhân 1342 từ Nhật Bản nhập cảnh về Việt Nam hôm 14/11, lưu tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý ở số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, từ ngày 14 đến 18/11.
Theo quy định, những thành viên thuộc từng tổ bay khi về nước phải cách ly, không được tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, nam tiếp viên này đã đi sang khu cách ly khác, sau đó bị nhiễm bệnh từ một bệnh nhân thuộc một tổ bay về từ Rumani.
Sau khi xét nghiệm hai lần kết quả âm tính, tiếp viên này về cách ly tại nhà trọ và không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, tiếp xúc gần với 3 người khác và sau đó bản thân anh này có kết quả dương tính. Ba người tiếp xúc với anh ta được cách ly và xét nghiệm. Giáo viên tiếng Anh dương tính nCoV, trở thành bệnh nhân 1347.
Ngoài ra, Bệnh nhân 1347 cũng khiến hai trường hợp ở quận 6 nhiễm Covid-19 là bé trai một tuổi – bệnh nhân 1348 và nữ học viên Trung tâm Anh ngữ Key English, 28 tuổi – bệnh nhân 1349.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng- Giám đốc Công ty luật HTC Việt Nam, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, căn cứ vào Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn công tác xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hành vi của Bệnh nhân 1342 có thể bị coi là “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
“Như vậy, Bệnh nhân 1342 có thể phải đối diện với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm, nếu làm chết người thì có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm”, Luật sư Doãn Hùng cho hay.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, sau khởi tố Bệnh nhân 1342 liệu các cơ quan chức năng có hồi tố đối với Bệnh nhân số 17 và Bệnh nhân số 34, Bệnh nhân 178 hay không? Vì cả 3 bệnh nhân này đều có hành vi không khai báo hoặc khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh Covid- 19 trong cộng đồng.
Giải đáp thắc mắc này, theo Luật sư Doãn Hùng, 2 bệnh nhân này không thuộc đối tượng bị khởi tố hình sự như Bệnh nhân 1342 bởi lẽ tại thời điểm Bệnh nhân số 17 và Bệnh nhân số 34 làm lây lan dịch bệnh thì trong Bộ luật hình sự 2015 và Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 không có bệnh Covid-19 trong danh mục các loại bệnh truyền nhiễm.
Đến ngày 30/3/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao mới ban hành Văn bản số 45/TANDTC-PC hướng dẫn công tác xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“Do vậy, không áp dụng được hiệu lực hồi tố đối với hai bệnh nhân số 17 và bệnh nhân số 34, bệnh nhân 178 để khởi tố đối với 3 bệnh nhân này”, Luật sư Doãn Hùng cho hay.
Bày tỏ sự ủng hộ việc khởi tố đối với nam tiếp viên có hành vi lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, diễn viên Thuý Diễm cho rằng “giá như xử lý nghiêm từ Bệnh nhân N17 có lẽ sẽ không như bây giờ”.
“Một năm đầy u ám với dịch bệnh với kinh tế, thiên tai. Chạy xe loanh quanh Quận Nhất thôi đã thấy bao nhiêu mặt bằng kinh doanh trống trơn đóng cửa, bao nhiêu doanh nghiệp phá sản mà thấy xót xa”, nữ diễn viên thốt lên.
Qua trường hợp khởi tố nam tiếp viên này cô kêu gọi cộng đồng người dân hãy nghiêm túc phòng dịch, tự bảo vệ mình và có trách nhiệm với xã hội để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về ‘‘Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 5-10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 10-12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
b) Làm chết hai người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
PV/VNN