Khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở người khác”: Công an quận 1 làm đúng hay sai thẩm quyền?
Trong mấy ngày vừa qua, vụ án “xâm phạm chỗ ở người khác” xảy ra tại số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với hai bị can là bị can Nguyễn Hải Nam – Thẩm phán, Phó chánh án Tòa án nhân dân quận 4 – Thành phố Hồ Chí Minh và bị can Lâm Hoàng Tùng – Giảng viên trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gây xôn xao dư luận, nhiều người tò mò vì hành vi của bị can trong vụ án, nhiều người lại bình luận về địa vị của các bị can trên, nhưng hơn hết là nhiều người cho rằng thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án trên của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh là sai thẩm quyền. Vậy liệu rằng Công an quận 1 đã sai và Cơ quan nào có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án trên?
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án là không sai
Vụ án trên bắt nguồn từ việc tranh chấp ngôi nhà số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm được bà Hoàng Thị Thu Thảo ký hợp đồng mua – bán với bà Hoàng Trọng Anh Chi. Ngôi nhà trị giá 25 tỷ đồng, bà Thảo đã thanh toán 14 tỷ đồng nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Gia đình bà Thảo đã dọn vào ngôi nhà để ở và sử dụng kinh doanh. Vì không thể gặp bà Chi làm thủ tục sang tên nên bà Thảo khởi kiện bà Chi ra toà và Tòa án nhân dân quận 1 đang thụ lý. Thời gian gần đây, một số đối tượng lạ đe doạ, uy hiếp đuổi bà Thảo ra khỏi nhà. Thậm chí, chiều 19/9/2019, một số đối tượng (trong đó có bị can Nguyễn Hải Nam và bị can Lâm Hoàng Tùng) đã “cướp” 3 đứa con (lớn nhất 3 tuổi, nhỏ nhất 3 tháng rưỡi) của bà Thảo từ ngôi nhà trên, định đưa lên taxi thì bị người dân phản ứng, chặn lại. Nhóm người này sau đó bỏ lại 3 đứa trẻ nhưng thực hiện việc chiếm giữ căn nhà. Sau đó bà Thảo đã có đơn tố cáo đến Công an quận 1 xác minh, làm rõ sự việc. Ngày 01/10/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng, ra lệnh tạm giam 03 tháng hai bị can trên để điều tra về hành vi xâm phạm chỗ ở người khác theo quy định tại khoản 2 Điều 158 Bộ luật hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1 ra quyết định khởi tố vụ án là không sai do cơ quan điều tra Công an quận 1 đang là cơ quan giải quyết đơn tố giác của bà Thảo, khi vụ việc đã được xác minh, làm rõ có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan điều tra Công an quận 1 ra Quyết định khởi tố vụ án là đúng quy định của pháp luật căn cứ theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về “thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”, kết thúc giai đoạn khởi tố, chuyển sang giai đoạn điều tra vụ án. Hơn nữa việc khởi tố vụ án còn thể hiện tính kịp thời trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm dù bị can có là ai, thì nếu vi phạm pháp luật hình sự vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra nào khi phát hiện tội phạm đều có quyền ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Thẩm quyền điều tra vụ án có thuộc về Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1?
Nhiều người nhầm lẫn khởi tố và điều tra, coi khởi tố là một phần trong giai đoạn điều tra. Thực chất khởi tố và điều tra là 02 giai đoạn tố tụng khác nhau. Giai đoạn khởi tố bắt đầu từ khi Cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo, tố giác, nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Nếu qua quá trình xác minh, Cơ quan điều tra ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì vụ việc sẽ kết thúc, không có giai đoạn tố tụng sau nữa. Tuy nhiên nếu Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thì đó là thời điểm kết thúc giai đoạn khởi tố và chuyển sang giai đoạn điều tra. Vụ án trên đang trong giai đoạn điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1 đã ra Quyết định khởi tố vụ án trên, tuy nhiên xét thấy thẩm quyền điều tra vụ án trên không phải thuộc về Cảnh sát điều tra – Công an quận 1.
Căn cứ khoản 5, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền điều tra như sau:
“5. Việc phân cấp điều tra như sau:
a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;
b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra”
Thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra cấp nào là phụ thuộc vụ án đó do Tòa án cấp nào xét xử. Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án, trong đó có quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:
“2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:
a) Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
c) Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.”
Vì bị can Nguyễn Hải Nam là thẩm phán, nên căn cứ vào điểm c, khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình thì vụ án này thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), do vậy thẩm quyền điều tra vụ án thuộc về Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1 có thể tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ, chứng minh hành vi phạm tội của bị can và ra văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân quận 1 ra Quyết định chuyển vụ án hình sự cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hồ Chí Minh để điều tra theo thẩm quyền. Đó là đúng quy định của pháp luật, vừa kịp thời trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm. Do đó việc Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 1 khởi tố vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình là không sai, đó chỉ là một hoạt động tố tụng trong cả quá trình tố tụng nhằm điều tra, làm rõ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
ATA