+
Aa
-
like
comment

Khơi thông dòng vốn từ thị trường bất động sản

Huy Hoàng - 06/02/2023 16:42

Kể từ khi các Ngân hàng trung ương khắp thế giới thắt chặt lãi suất, bất động sản đã trở thành một trong những ngành ngấm đòn đầu tiên. Tại Việt Nam, với các khoản vay cao và dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản đã phải chịu áp lực rất lớn khi người mua trên thị trường mất hút, còn tài sản thì lao dốc gây sức ép lên nghĩa vụ trả lãi vay. Bất động sản là ngành chiếm dụng vốn rất lớn trong nền kinh tế. Do đó tháo gỡ được khó khăn của ngành sẽ xử lý được rất nhiều vấn đề khác…

Kỳ vọng dòng vốn tín dụng ‘khơi thông” trong năm 2023

Chiều 27/1, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thủ tướng nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Làm được điều này sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Qua đó sẽ giảm bớt áp lực cho toàn nền kinh tế kể từ năm 2023 trở đi, tạo điều kiện cho việc thực hiện các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Năm 2023 lại là một năm chưa lạc quan với nền kinh tế toàn cầu. Do cái nôi của xu hướng nâng lãi suất là Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa tính đến chuyện cắt giảm lãi suất. Thay vào đó FED vẫn sẽ giữ mức lãi suất cao, quanh ngưỡng 5% trong một thời gian dài. Một môi trường lãi suất cao sẽ khiến cho người mua nhà e ngại các khoản vay, qua đó sẽ khiến sức mua của thị trường càng thu hẹp, gây khó khăn thêm quá trình thu hồi cũng như khơi thông vốn từ ngành bất động sản.

Thế nên, để năm 2023 có vốn tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần đẩy nhanh khơi thông dòng vốn từ lĩnh vực này. Vậy đâu là chìa khóa để khơi thông dòng vốn đang ứ đọng ở bất động sản trong khi người mua ngày càng có xu hướng mất hút trên thị trường?

Giải pháp là nằm ở chỗ các ngân hàng cần nhanh chóng thanh lý các khoản nợ xấu để thu hồi vốn. Trên thực tế, thị trường không thiếu người mua, tiền trong dân vẫn còn nhiều, miễn là với giá phù hợp, việc thu hồi vốn vẫn sẽ diễn ra. Với các doanh nghiệp, cần cắt giảm các dự án gây lãng phí không hiệu quả, tập trung huy động các nguồn vốn khác ngoài tín dụng để giải quyết nghĩa vụ lãi vay, tuy sẽ giảm quy mô nhưng đổi lại sẽ giúp cho doanh nghiệp trụ vững trong môi trường lãi suất cao.

Bên cạnh đó, như Thủ tướng đã nói, cần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua, trong đó doanh nghiệp cần tập trung vào các dự án nhà ở xã hội, những dự án phục vụ người ở thực, về vấn đề cần ngành ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng vay ưu đãi mua nhà ở xã hội. Qua đó sẽ tạo dựng một thị trường bất động sản bền vững cả bên mua lẫn bên bán.

Trước đó, Thủ tướng cũng đề cập, mặc dù kinh tế đã tăng trưởng tốt trong năm 2022, nhưng bất cập từ nội tại nền kinh tế vẫn là một rào cản, trong đó có năng lực sản xuất ở nước ta chưa cao, vấn đề của ngành bất động sản tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm. Trong khi quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bến ngoài còn hạn chế; những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Thế nên, cần sớm khơi thông dòng vốn từ bất động sản để đảm bảo sức chống chịu cho nền kinh tế, cũng như có đủ nguồn vốn tập trung cho các ngành là động lực của tương lai.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều