Khôi phục ngành công nghiệp không khói hậu đại dịch Covid-19
Sau 4 đợt dịch bùng phát, du lịch đã “chạm đáy”, tính đến thời điểm này, việc khôi phục du lịch là yêu cầu cấp bách của những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Việc mở cửa du lịch sẽ giúp lan tỏa, kích thích giúp phục hồi lại các ngành nghề khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là cần làm gì để mở cửa ngành du lịch an toàn, hợp lý, hiệu quả?
Mở cửa du lịch sẽ giúp mọi hoạt động trong ngành dần hồi sinh khi quay trở lại hoạt động tại thời điểm này. Các doanh nghiệp có thể kết nối lại với các đối tác, bạn hàng và tìm kiếm thị trường sau 2 năm đứt gãy. Ngoài ra, trong hai năm vừa qua, số lao động trong ngành du lịch đã bị phân tán rất lớn. Việc mở cửa cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút, đào tạo lại lao động đặc thù. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự hồi phục của ngành cũng sẽ lan tỏa, tạo tiền đề để các hoạt động kinh tế khác sớm trở lại quỹ đạo bình thường.
Cùng với khách du lịch trong nước, việc từng bước mở cửa trở lại du lịch quốc tế là bước đi cần thiết để không bỏ lỡ lợi thế cạnh tranh và cơ hội phục hồi, nhất là khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã đưa ra nhiều chính sách tái mở cửa biên giới để thu hút du khách quốc tế. Chính vì vậy, nếu chậm chân Việt Nam sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế.
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 tác động không chỉ đến nền kinh tế mà còn tới tâm lý, nguyện vọng và sở thích đi du lịch của du khách. Ngày nay, nếu giá tour rẻ mà không đảm bảo điều kiện an toàn, chưa chắc đã tạo nên sức hút đối với khách du lịch. Điều mà du khách quan tâm và đáp ứng nhất trong bối cảnh hiện nay chính là việc đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, yếu tố an toàn cho du khách, cho người lao động trong ngành và toàn xã hội đã trở thành một yêu cầu bắt buộc của ngành du lịch.
Câu chuyện đóng, mở đã được ví như công tắc của dịch lịch Việt Nam và trở thành điều quen thuộc trong suốt 2 năm qua. Khi các doanh nghiệp rục rịch mở lại, một vài ca nhiễm xuất hiện, mọi thứ lại đóng băng. Điều này gây tổn thất lớn với những người làm du lịch. Bởi việc mở lại một hệ thống lớn chưa bao giờ là đơn giản. Các dự báo hiện nay đều khẳng định, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau Covid-19, so với những cuộc khủng hoảng trước. Ở thời điểm hiện tại các ca mắc Covid-19 ở trong nước cũng như quốc tế vẫn không ngừng tăng lên. Vì thế, trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp du lịch cần có sự chuẩn bị những bước đi, giải pháp ứng phó với dịch bệnh sao cho thật khoa học, đáp ứng tình hình thực tế.
Bài toán giảm chi phí giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng các tour du lịch chắc chắn sẽ là một trong những giải pháp kích cầu hàng đầu để du lịch hồi sinh. Và sẽ có nhiều công ty du lịch sau dịch không màng đến lợi nhuận sẵn sàng giảm giá thành, đảm bảo chất lượng dịch vụ nhưng rõ ràng về lâu về dài đây không phải là cách giúp các công ty có thể trụ vững, bởi nguồn lực của các công ty cũng chỉ có hạn. Chính vì vậy để chuẩn bị tốt cho giai đoạn phục hồi, các công ty du lịch phải tính toán đến các chiến lược dài hơi.
Bên cạnh đó, ngành du lịch phải có quỹ dự phòng khủng hoảng; chủ động linh hoạt để thích ứng; biến khó khăn thành cơ hội; liên kết, hợp tác, phối hợp để phát triển, tập trung vào con người. Sự hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng để quản trị khủng hoảng và phục hồi nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng lòng tin với các bên liên quan.
Về phía các cơ quan chức năng cần xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các đơn vị cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch. Qua đó, xây dựng các điểm du lịch xanh, cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ xanh đảm bảo an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách và các đơn vị du lịch, để hướng tới khôi phục ngành công nghiệp không khói một cách an toàn hậu đại dịch Covid-19.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, có chính sách xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp du lịch đang có số dư nợ cao, đang gặp khó khăn thanh toán do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Tiếp tục có các chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch…
Dẫu biết rằng tương lai phía trước của ngành du lịch vẫn còn rất mù mịt vì đại dịch Covid-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt, thế nhưng chúng ta vẫn giữ niềm tin, nuôi hy vọng về những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh du lịch toàn cầu cũng như trong nước.
Diệu Hương