Khối ngoại đẩy mạnh gom cổ phiếu khi VN-Index giảm sâu
Chứng khoán đánh dấu tuần thứ 3 giảm điểm liên tiếp. Trong khi cá nhân trong nước bán ròng, thì khối ngoại tích cực mua vào, đã mua ròng 2.587 tỷ đồng trên HoSE tuần qua, tập trung nhiều vào nhóm bất động sản.
Sau khi liên tiếp “hấp thụ” tin tức tiêu cực trên thị trường, chứng khoán trải qua chuỗi phiên điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 4. Tuần qua, thêm vụ thao túng chứng khoán của “nhóm Louis” bị khởi tố. Thị trường nối dài đà giảm, và phải tới phiên cuối tuần (22/4), VN-Index mới dứt chuỗi giảm mạnh 6 phiên liên tiếp.
Tuy nhiên, tính chung tuần, VN-Index vẫn mất 79,33 điểm tương đương 5,44%, đóng cửa tại 1.379,23 điểm. Nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng, trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại là bên mua ròng. Tỉ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm hóa chất, dầu khí, thực phẩm và đồ uống, giảm ở nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Dòng tiền chuyển tăng vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, giảm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30.
Theo số liệu từ FiinGroup, khối ngoại tiếp tục vị thế mua ròng 2.587 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 2.495 tỷ đồng.Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của nước ngoài gồm GEX, DXG, NLG, VRE, STB, VNM, VIC, KBC, FUEVFVND, DCM.
Trong nhóm mua ròng có GEX được Dragon Capital mua ròng mạnh. Các cổ phiếu khác đa phần là bất động sản. STB vẫn là câu chuyện được nước ngoài mua ròng liên tục từ đầu năm.
Trong tuần các ETFs bao gồm Fubon mua ròng cổ phiếu Việt Nam. Đáng chú ý, nước ngoài mua ròng liên tiếp những tuần gần đây cổ phiếu VRE và VNM.
Ngược lại, bán ròng tập trung vào VHM, DGC, BVH, SSI, CII, HPG, OCB, PHR, VND, PTB. Đối với nhóm cổ phiếu họ Vingroup, nước ngoài thay đổi trạng thái mua ròng VIC, VRE trong khi họ lại bán VHM.
Nhà đầu tư cá nhân bán ròng 5.287 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng khớp lệnh, họ bán ròng 5.161 tỷ đồng. Nhóm này mua ròng khớp lệnh mạnh nhất DIG, VHM, DGC, VPB, BVH, ngược lại bán ròng khớp lệnh nhiều nhất là FPT, VIC, STB, VNM, MSN.
Tổ chức trong nước mua ròng 2.700 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 2.666 tỷ. Top các mã mua ròng FPT, MWG, TCB, MSN, VIC. Họ bán ròng khớp lệnh mạnh nhất DIG, DXG, GEX, VPB, FUEVFVND.
Cổ phiếu ngân hàng gây chú ý
Tuần qua, nhóm dầu khí có áp lực bán mạnh, trong đó cổ phiếu PVD bị bán sàn 3 phiên liên tiếp sau khi công ty công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 dưới kỳ vọng của thị trường. Tính từ đầu năm PVD đã giảm 21,25% bằng mức giảm 3 phiên gần đây.
Nhóm ngành tăng điểm đáng chú ý trong tuần là ngân hàng. Nhóm này ghi nhận tỉ trọng giá trị giao dịch giảm xuống 13,36% toàn thị trường, mức thấp nhất trong vòng 3 tuần, chỉ số giá ngành giảm 3,26%. Điều này cho thấy áp lực bán của nhóm ngân hàng đã giảm và nhóm này đã có sự phục hồi trong 2 phiên cuối tuần.
Đây là nhóm cổ phiếu đã điều chỉnh đáng kể từ đầu năm. Tính trong vòng 3 tháng, chỉ có 4/27 mã còn tăng điểm, trong vòng 1 tháng chỉ có 1 mã tăng điểm, tính trong vòng 1 tuần cũng chỉ có 1 mã tăng điểm là VCB nhờ mức tăng vào cuối ngày thứ 6.
Trong số các cổ phiếu lớn đáng chú ý có CTG là cổ phiếu vẫn còn giảm điểm tính trong vòng 1 năm. VCB là cổ phiếu tăng điểm mạnh 4,9% ngày thứ 6, giúp cho cổ phiếu này tăng 2,49% trong tuần và tăng điểm trở lại trong vòng 1 năm là 3,1%.
Trong tuần, top cổ phiếu tăng điểm gồm VCB, PDR, VJC, SAB mức tăng từ 1% đến 2,49%. Cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất là GVR, SSI, POW, VHM, PLX giảm từ 8,4% đến 18%.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất là SAM, ASM, SZC, ITA, HNG giảm từ 23% đến 26% cho thấy có lực bán chủ động mạnh nhóm này.
Top cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất là ACL, VSC, DBD, NCT, IBC tăng từ 2% đến 18%.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất là FCN, NBB, TVB, APG, HQC, giảm từ 28% đến 30% liên quan đến nhóm Bất động sản, xây dựng và nhóm Trí Việt do tổng giám đốc bị bắt.
Trâm Anh