+
Aa
-
like
comment

“Khơi dòng” hút tư nhân đầu tư vào ngành điện

01/10/2020 09:27

Trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư tư nhân được xem là giải pháp khả thi nhằm tìm “lối đi” cho ngành này thời gian tới. Muốn “hút” vốn tư nhân, mấu chốt nhất vẫn là phải đảm bảo cơ chế giá hấp dẫn.

Vướng nhiều bề

Theo Bộ Công Thương, những năm trước đây, các dự án điện đều do các DN nhà nước xây dựng và vận hành, song đến nay quy mô và tỷ trọng của các nhà đầu tư tư nhân đã ngày càng lớn. Cụ thể, đến cuối năm 2019, trong cơ cấu nguồn điện cả nước đã có công suất 19.253 MW thuộc khối tư nhân (bao gồm cả các nhà máy điện được đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập (IPP) và hình thức dự án Đầu tư-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), chiếm tới 34,4%).

Hai năm vừa qua đánh dấu sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió với đại đa số thuộc về các chủ đầu tư tư nhân với tổng công suất lên tới 5.700 MW (chiếm khoảng 10% công suất nguồn điện). Từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần trung bình khoảng 7.500 MW công suất nguồn điện mới, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 7 – 8 tỷ USD/năm.

Hai năm vừa qua đánh dấu sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió với đại đa số thuộc về các chủ đầu tư tư nhân .

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận, thị trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong ngành điện là tiềm năng lớn. Sự tích cực, năng động của các nhà đầu tư tư nhân đang là nguồn lực lớn cho phát triển ngành năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thường xuất hiện các khó khăn, vướng mắc. Điển hình như, sự bất cập, chưa theo kịp thực tế của các hướng dẫn và các quy định pháp luật; hạ tầng cơ sở hệ thống lưới điện còn yếu, chưa sẵn sàng để “một sớm một chiều” tiếp nhận và truyền tải cho dự án nguồn điện với quy mô lớn; sự thiếu đồng bộ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư (đền bù đất đai, giải tỏa mặt bằng…)… “Các khó khăn thách thức đó tác động, ảnh hưởng đến mọi nhà đầu tư, kể cả thuộc khối nhà nước lẫn khối tư nhân trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện An Khánh-Bắc Giang cho biết, hơn 1 năm nay, Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD phải dừng vì chưa ký được hợp đồng mua bán điện (PPA). Mặc dù DN cùng các đối tác nỗ lực thu xếp vốn cho gói thầu tổng thầu (EPC) nhưng do đang gặp khó khăn, vướng mắc nên chưa có nguồn vốn để triển khai thực hiện. Theo quy định hiện hành tại Luật Các tổ chức tín dụng, DN bị giới hạn bởi quy định cho vay đối với một dự án không quá 15% và đối với nhóm khách hàng có liên quan không quá 25% vốn tự có của ngân hàng. Với quy định như vậy, nhu cầu vay vốn từ ngân hàng trong nước của dự án nhà máy điện nói trên rất khó khăn. Hơn nữa, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP rất cao, dẫn đến giá điện bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cao vượt giá trần quy định khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

“Đối với nguồn vốn ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra điều kiện tiên quyết phải có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam, trong khi hiện nay Chính phủ hạn chế bảo lãnh vay vốn đối với các dự án”, ông Hội nhấn mạnh.

Mấu chốt là cơ chế giá hấp dẫn

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn đánh giá, khó khăn lớn nhất khi tư nhân đầu tư dự án điện là về mặt vĩ mô chứ không phải khó khăn của từng dự án. Xoáy sâu vào trường hợp các dự án IPP, vị này phân tích, vốn chưa hẳn là vướng mắc khiến các dự án IPP chậm tiến độ mà là kỹ thuật và giá mua điện từ các dự án. IPP của thế giới là tự sản tự tiêu là chính, phần bán lên lưới hoặc mua lại của lưới rất ít. Trong khi đó dự án IPP của Việt Nam lại khác, gần như bán hoàn toàn lên lưới. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng áp dụng hợp đồng PPA theo mẫu của thế giới cho các dự án điện theo hình thức IPP có lẽ phải xem lại.

Nhấn mạnh vào góc độ thúc đẩy tư nhân đầu tư lưới điện, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay có tình trạng sản xuất ra điện nhưng vì đường dây truyền tải điện có sự hạn chế nên không phát hết công suất các dự án. “Làm thế nào cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển mạng lưới truyền tải điện? Chúng ta bắt buộc phải có cơ chế đột phá, tự do hóa một phần để khu vực tư nhân nhanh chóng tham gia vào. Nhiều nhà đầu tư rất mong chờ cơ chế, chính sách thuận lợi, dài hơi. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng, đường truyền tải điện thuộc về an ninh quốc gia, nên cần phải có tính toán kỹ lưỡng”, ông Tuấn nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Bộ Công Thương cũng đang triển khai nhiều cơ chế để khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân phát triển các dự án nguồn và lưới điện. Điển hình như ở lĩnh vực nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho giai đoạn tới như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cơ chế đấu thầu để vừa thu hút đầu tư, tăng cường tính minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp và đáp ứng các mục tiêu phát triển của ngành điện.

Ở khâu hạ tầng truyền tải điện, Bộ Công Thương cho rằng để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư thì cơ chế khuyến khích về giá phát điện là một trong giải pháp chính, tạo động lực cho nhà đầu tư phấn đấu thực hiện đầu tư của dự án, trong đó có đầu tư hạ tầng lưới điện đấu nối.

Nhấn mạnh về mối tương quan giữa chính sách giá điện và các nguồn lực ngoài nhà nước vào đầu tư năng lượng, đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) bày tỏ quan điểm: “Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận thì họ sẽ đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đảm bảo nguồn lợi nhuận này”.

Dự báo từ nay đến năm 2030, nhu cầu điện sẽ tăng bình quân khoảng 7,5 – 8%/năm. Theo kết quả sơ bộ của Báo cáo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) do Viện Năng lượng nghiên cứu, dự báo nhu cầu sản xuất điện ở kịch bản cơ sở đến năm 2030 khoảng trên 526 tỷ kWh, tương ứng với công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống là 131.000 MW. Với quy mô tổng công suất nguồn điện năm 2019 khoảng 55.900 MW, từ nay đến năm 2030 sẽ cần xây dựng thêm 75.100 MW nguồn điện, trung bình mỗi năm 7.500 MW.

Uên Như/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều