+
Aa
-
like
comment

Khởi đầu kỷ nguyên xung đột kinh tế mới sau khủng hoảng Ukraine

06/03/2022 08:57

Trong thập kỷ qua, thế giới ngày càng quen thuộc với các rủi ro địa chính trị. Các nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu chọn cách phớt lờ, từ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, chủ nghĩa dân túy ở Mỹ Latin đến căng thẳng ở Trung Đông. Doanh nghiệp và nhà đầu tư đều cho rằng hậu quả kinh tế sẽ ở mức hạn chế mà thôi.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có khả năng phá vỡ trạng thái này, vì nó khiến Nga – nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới – bị cô lập. Hệ quả toàn cầu trước mắt sẽ là lạm phát cao hơn, tăng trưởng thấp hơn và gián đoạn trên thị trường tài chính khi các biện pháp trừng phạt sâu có hiệu lực. Tác động trong dài hạn sẽ là chuỗi cung ứng và các thị trường tài chính suy yếu thêm.

Về lý thuyết, lệnh trừng phạt có thể gây bất ổn chính trị ở Nga hoặc một cuộc khủng hoảng tiền mặt cản trở chi tiêu cho chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể trả đũa bằng vũ khí kinh tế của riêng mình, bao gồm cả việc bóp nghẹt dòng dầu và khí đốt.

Dĩ nhiên, bất kỳ hành động trả đũa kinh tế nào của Nga đều sẽ kéo theo phản ứng gay gắt hơn từ phương Tây. Điều này khiến xung đột kinh thế càng leo thang.

Hậu quả đầu tiên của xung đột là cú sốc hàng hóa. Ngoài việc là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu, Nga còn là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhà cung cấp chính các kim loại công nghiệp như niken, nhôm và paladi.

Bên cạnh đó, cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn. Nga và Belarus – đồng minh của Nga – là những nước lớn về kali. Giá của những mặt hàng này đã tăng trong năm nay và có khả năng leo thang hơn nữa. Sau thông tin về các vụ nổ trên khắp Ukraine, giá dầu Brent vượt 100 USD mỗi thùng vào sáng 24/2, còn giá khí đốt châu Âu tăng 30%.

Nguồn cung hàng hóa có thể bị thiệt hại theo một trong hai cách. Việc giao hàng có thể bị gián đoạn nếu cơ sở hạ tầng như đường ống hoặc cảng Biển Đen bị phá hủy. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt sâu hơn có thể ngăn cản khách hàng phương Tây mua hàng. Dù vậy, đến nay, cả hai bên đều cảnh giác về việc vũ khí hóa thương mại năng lượng và hàng hóa.

Xung đột thứ hai liên quan đến công nghệ và hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi thương mại tài nguyên thiên nhiên là lĩnh vực mà Nga và phương Tây phụ thuộc lẫn nhau, về tài chính và công nghệ, cán cân quyền lực kinh tế lại nghiêng về một phía.

Việc nhiều ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT khiến dòng tiền xuyên biên giới thu hẹp. Ngân hàng trung ương Nga cũng khó tiếp cận phần lớn trong số 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Đồng ruble mất giá kỷ lục so với đôla Mỹ, nguy cơ kéo lạm phát tăng vọt. Chứng khoán Nga đỏ lửa và các công ty đa quốc gia lần lượt rời đi. Từ Moskva đến Murmansk, người dân xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng chờ rút tiền.

Lần này, Mỹ và châu Âu thực sự áp dụng những hình thức cứng rắn. Khoảng 10.000 người và công ty đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, ảnh hưởng đến hơn 50 quốc gia với 27% GDP thế giới. Các biện pháp mà phương Tây áp dụng đối với Nga mạnh đến mức có thể gây ra sự hỗn loạn trong nền kinh tế trị giá 1.600 tỷ USD của nước này, khiến Tổng thống Putin phải báo động lực lượng hạt nhân.

Logo SWIFT đặt trên nền cờ Nga vfa Ukraine. Ảnh: Reuters
Logo SWIFT đặt trên nền cờ Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, nếu phương Tây càng mạnh tay sử dụng các vũ khí kinh tế này để chống lại Nga, hệ quả lâu dài là bất lợi cho chính họ. Khi các biện pháp trừng phạt lan tràn, các quốc gia sẽ tìm cách tránh phụ thuộc vào tài chính phương Tây. Điều đó sẽ khiến quyền lực của phương Tây suy yếu và dẫn đến sự phân mảnh nguy hiểm trong kinh tế toàn cầu.

Nga sẽ hướng tới Trung Quốc vì các nhu cầu tài chính của mình. Thương mại giữa hai nước đang dần tách rời các lệnh trừng phạt của phương Tây, với chỉ 33% các khoản thanh toán từ Trung Quốc sang Nga hiện được thực hiện bằng USD, giảm so với 97% vào năm 2014.

Trong thập kỷ tới, những thay đổi về công nghệ có thể tạo ra các mạng lưới thanh toán mới, vượt qua hệ thống ngân hàng phương Tây. Thử nghiệm tiền điện tử của Trung Quốc đã có 261 triệu người dùng. Nhiều quốc gia cũng sẽ tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình bằng cách đầu tư nhiều hơn vào những tài sản khác ngoài đôla Mỹ.

Sự phân mảnh là không thể tránh khỏi. Trong hai thập kỷ qua, bằng các biện pháp trừng phạt, phương Tây đang ngày càng đẩy nhiều quốc gia ra khỏi hệ thống tài chính mà họ lãnh đạo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/2 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/2 tại Bắc Kinh.

Tác động lâu dài hơn sẽ là thúc đẩy sự phân chia thế giới thành các khối kinh tế. Nga sẽ buộc phải nghiêng về phía đông, dựa nhiều hơn vào các liên kết thương mại và tài chính với Trung Quốc. Ở phương Tây, nhiều chính trị gia và công ty sẽ băn khoăn liệu toàn cầu hóa có còn hiệu lực hay không.

Trung Quốc sẽ đánh giá các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga và kết luận rằng nước này cần tăng cường tự cung tự cấp. Khủng hoảng Ukraine có thể không gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng sẽ thay đổi cách thức vận hành của kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ tới.

Economist cho rằng đó là lý do tại sao sau khi cuộc khủng hoảng qua đi, phương Tây nên xem lại cách họ sử dụng các biện pháp trừng phạt. Chúng cần phải được sử dụng một cách khôn ngoan.

(Theo The Economist)

Bài mới
Đọc nhiều