Khởi đầu không như ý, liệu Văn Hậu có đi vào “vết xe đổ” của Công Phượng?
Rất nhiều cổ động viên đã mong chờ được thấy khoảnh khắc Văn Hậu được tung vào sân ở trận đấu chiều qua. Nhưng điều ấy vẫn chưa xảy ra ở Heerenveen.
1. Một BLV bóng đá nổi tiếng Việt Nam từng nhận xét rằng giải VĐQG Hà Lan đậm chất kỹ thuật, không quá chú trọng tốc độ và thể lực nên phù hợp với tố chất mà Văn Hậu đang có, nhưng theo dõi trực tiếp trận đấu giữa Heerenveen và Ultrecht tối qua, mới thấy sự khác biệt giữa những gì Văn Hậu sắp phải đối đầu với những gì hậu vệ này từng trải qua là lớn đến thế nào.
Dĩ nhiên tốc độ của trận đấu ở giải VĐQG Hà Lan mà Văn Hậu được dự khán từ băng ghế dự bị hôm qua không thể so sánh được với những trận đấu ở Premier League, nhất là trận đấu với tốc độ “lốc xoáy” giữa Chelsea và Liverpool đêm qua, nhưng so với nhịp độ thi đấu “rề rà” của V.League, sự khác nhau là một trời một vực.
Chứng kiến các đồng đội mới thi đấu trên sân, chắc hẳn Văn Hậu cũng phải “toát mồ hôi” với tốc độ luân chuyển bóng của trận đấu. Trên sân, bóng được luân chuyển cực nhanh, không chỉ ở những pha lên bóng hay phản công của cả hai đội, mà còn ở những pha bóng chuyển trạng thái. Phải có tốc độ, thể lực cực tốt, cùng tư duy vị trí, chiến thuật vượt trội so với mặt bằng Đông Nam Á, thậm chí là châu Á mới có thể theo kịp.
Tốc độ cũng chính là thứ khiến Công Phượng đang phải vật vã với “bài toán” xuất ngoại. “Messi Việt Nam” có nền tảng kỹ thuật rất tốt, từng được hỗ trợ không ít từ lối chơi ban đập dựa vào sự ăn ý của các cầu thủ lứa U19 HAGL ngày nào, nhưng ở cả Hàn Quốc lẫn Bỉ, tốc độ chính là điểm yếu lấy đi cơ hội ra sân của tiền đạo này.
Trong màu áo CLB Hà Nội, cũng như U23 và ĐTQG Việt Nam, Văn Hậu từng khiến không ít người hâm mộ phải xuýt xoa với những pha băng về, băng lên “thần tốc”, để chiếm lĩnh hành lang trái cực tốt. Có thể hình, thể lực cùng sự xông xáo và một cái đầu cực kỳ tỉnh táo, dễ hiểu vì sao Văn Hậu được kỳ vọng là cầu thủ Việt Nam có khả năng chơi bóng ở châu Âu nhất.
Nhưng trước một môi trường có đẳng cấp cao hơn hẳn như giải VĐQG Hà Lan, có lẽ Văn Hậu còn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều để tìm được chỗ đứng của mình. Nên nhớ, Văn Hậu mới sang Hà Lan chưa đầy một tuần, mới tập với Heerenveen có 2 buổi. Trước mắt hậu vệ này, còn đường vẫn còn dài lắm.
2. Bầu Đức từng cực kỳ tự hào về khả năng ngoại ngữ của các cầu thủ lứa U19 HAGL, nhưng rốt cuộc Công Phượng thất bại ở Incheon United vì lý do… không thể giao tiếp được với HLV và các đồng đội.
Văn Hậu thậm chí còn nói rất kém tiếng Anh. Hôm qua, trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo – Lê Huy Khoa, đã gây chú ý trên mạng xã hội với phát ngôn: “Làm việc ở thời đại này cần có công cụ, công cụ đó có hai cái bánh, một bánh tên Chuyên môn, một bánh tên Ngoại ngữ. Làm việc nước ngoài thì khỏi nói. Mình cũng đã từng nói trước chuyện này”.
Phát ngôn này được đi kèm với một link bài viết, trong đó trích dẫn ý kiến của HLV Heerenveen rằng: “Tiếng Anh Văn Hậu còn kém”.
Nhưng khác biệt với Công Phượng phải “đơn thương độc mã” nơi xứ người, bên cạnh Văn Hậu là không ít sự hỗ trợ từ những người có khá nhiều kinh nghiệm về cả bóng đá, lẫn giao tiếp bằng ngoại ngữ. Văn Hậu có thể chưa giao tiếp được với các đồng đội cùng HLV mới bằng ngoại ngữ, nhưng anh đang được khuyến khích và giúp đỡ tích cực giao tiếp, nhất là trong các hoạt động chuyên môn.
Trong bóng đá, điều cần nhất là chuyên môn. Ngày mới đến Man United, Ronaldo cũng chưa hề biết một câu tiếng Anh nào. HLV Park Hang-seo đã từng nhận xét rằng ông muốn bù đắp cho sự nhỏ bé về mặt thể hình của các cầu thủ Việt Nam bằng tốc độ.
Văn Hậu không gặp bất lợi về mặt thể hình, và anh tiếp thu cực nhanh tư duy về tốc độ của nhà cầm quân người Hàn Quốc này. Không như Công Phượng mặc định thiên về lối chơi kỹ thuật, để rồi gặp cực kỳ nhiều khó khăn khi phải hòa nhập với lối chơi có tốc độ nhanh, con đường phát triển mà Văn Hậu tự định ra cho mình trùng hợp với thử thách mà anh đang trải nghiệm.
Văn Hậu còn phải nhanh hơn nữa, khỏe hơn nữa, xông xáo hơn nữa để có được chỗ đứng ở Heerenveen, dẫu cho không giống như Công Phượng gặp quá nhiều sự cạnh tranh ở vị trí của mình, Văn Hậu chỉ phải cạnh tranh với duy nhất một cầu thủ chơi cùng vị trí.
Ngày Cristiano Ronaldo mới đến Man United năm 18 tuổi với mức giá 12,24 triệu bảng Anh, anh có một giao kèo với Sir Alex Ferguson rằng sẽ phải chơi cùng đội dự bị một mùa, nếu đá tốt sẽ được nhấc lên đội chính. Bởi vậy, Văn Hậu không cần phải vội, bởi anh đang có nhiều lợi thế hơn Công Phượng khi mới có 20 tuổi. Con đường phía trước còn dài với Văn Hậu, nhưng rõ ràng nó sáng sủa hơn hẳn những gì mà Công Phượng đã và đang phải trải qua.
Ngô Trà/Soha News