+
Aa
-
like
comment

Khối C gần như biến mất khi xét tuyển đại học: Có đáng lo?

09/07/2020 20:04

Thông tin rất ít học sinh THPT tại TP.HCM chọn khối C để xét tuyển ĐH được rất nhiều người quan tâm. Thực tế này có đáng lo? 

Học sinh nộp hồ sơ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) /// Đăng Nguyên
Học sinh nộp hồ sơ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM)

Khối C truyền thống nhiều năm nay với các môn văn – sử – địa đã trở nên rất quen thuộc. Nhưng với sự chuyển biến của xã hội, thay đổi trong thi cử, sự hấp dẫn của các môn này không được như trước nữa. Có đáng lo trước việc ít học sinh lựa chọn các môn xã hội để xét tuyển đại học ?

Có sự chuyển hóa tốt!

Trái với những lo lắng về lĩnh vực khoa học xã hội, GS.TS Võ Văn Sen, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đây là xu hướng tốt, không cần phải lo lắng. Lý do là nhiều thí sinh đã chuyển hóa chọn lựa từ tổ hợp khối C truyền thống (văn – sử – địa) sang tổ hợp D14 (văn – sử -tiếng  Anh) hay D15 (văn – địa – tiếng Anh).

Theo GS.TS Võ Văn Sen, hai tổ hợp này chia bớt nhiều thí sinh từ khối C văn – sử – địa. “Phải nói rằng tổ hợp bao gồm cả 3 môn này không thích ứng lắm với xã hội ngày nay. Tiếng Anh hiện nay rất cần thiết. Học sinh muốn học lịch sử chọn tổ hợp D14 hay h muốn học địa lý chọn D15 đều có thể học tiếng Anh kèm theo. Học lịch sử thế giới, địa lý thế giới có thể nghiên cứu thêm tài liệu nước ngoài. Ra trường, ai có ngoại ngữ giỏi trong lĩnh vực khoa học xã hội đều tiến rất nhanh. Họ có thể viết báo, tạp chí quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh… Như ở lĩnh vực lịch sử Việt Nam, hiện nay rất hiếm người có thể giảng dạy bằng tiếng Anh”, ông Sen phân tích.

Chính lúc này, ngành giáo dục nên coi lại việc dạy và học khối C, không chỉ môn văn, mà sử, địa cũng có nhiều bất cập.

Nhà văn Trần Nhã Thụy

“Điều này cho thấy một bộ phận học sinh giữ 3 môn truyền thống nhưng một bộ phận khác đã chọn lựa tổ hợp D14, D15. Trước đây, khi chỉ có khối C truyền thống, nhiều học sinh muốn học lịch sử, địa lý có ưu thế về tiếng Anh rất khó có lựa chọn khác. Thực tế tại trường cho thấy, trong các năm qua, sinh viên ngữ văn, lịch sử, địa lý… khá yếu ngoại ngữ. Đấy là điều dở nhất trong các lớp này. Khi vào ĐH, trường phải bồi dưỡng tiếng Anh cho sinh viên rất nhiều và rất mất thời gian, công sức”, GS.TS Võ Văn Sen nêu quan điểm.

Khối C gần như biến mất khi xét tuyển đại học: Có đáng lo? - ảnh 1
Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển khối C vào ĐH của thí sinh cả nước trong 3 năm gần đây

Cũng theo GS.TS Võ Văn Sen, đây không phải hiện tượng xấu mà là  tốt. “Khối C truyền thống phần nào không theo kịp sự phát triển của xã hội, cần cải cách. Bây giờ đã cải cách, mở thêm tổ hợp D14, D15 để tăng cường ngoại ngữ, đáp ứng thêm nhu cầu của người học. Như vậy đây là cải tiến rất tốt”, GS.TS Võ Văn Sen lập luận. .

Thạc sĩ Nguyễn Thảo Chi, Phó phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng thật ra đó là quy luật của thời đại. Khối C không hẳn sẽ biến mất mà chuyển sang những dạng khối khác thích hợp với thời cuộc hơn như D14 và D15.

Khối C truyền thống phần nào không theo kịp sự phát triển của xã hội, cần cải cách. Bây giờ đã cải cách, mở thêm tổ hợp D14, D15 để tăng cường ngoại ngữ, đáp ứng thêm nhu cầu của người học. 

GS.TS Võ Văn Sen, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) 

Không chọn khối C là bình thường từ thực tế!

Theo nhà văn Trần Nhã Thụy,  nếu chúng ta đặt vấn đề thực học và việc tìm kiếm việc làm thực tế trong bối cảnh hiện nay thì thấy việc học sinh không chọn thi khối C là hết sức bình thường. Cuộc sống, về cơ bản vẫn là quá trình chọn lọc tự nhiên.

Khối C gần như biến mất khi xét tuyển đại học: Có đáng lo? - ảnh 2
Học sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2020

“Cá nhân tôi là người học khối C, và tôi nhìn nhận khối C cũng thú vị. Nhưng tôi không cho rằng học sinh bỏ thi khối C thì giá trị nhân văn đảo lộn. Vì học sinh học dở khối C, học khối C ra trường không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng lương thấp, thì học để làm gì? Chính lúc này, ngành giáo dục nên coi lại việc dạy và học khối C, không chỉ môn văn, mà sử, địa cũng có nhiều bất cập. Làm sao để việc dạy và học khối C trở về đúng nghĩa của nó, tầm quan trọng của nó. Bởi nói cho cùng, dù anh làm công việc gì thì cũng cần những kiến văn từ khối C. Vấn đề là hiện nay việc dạy và học khối C quá chán. Học sinh học dở khối C mà bắt họ phải thi khối C thì đó mới là vấn đề đáng lo ngại” – nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết.

Lo lắng về định kiến xã hội

Ngược lại, nhà văn trẻ Quách Lê Anh Khang thì cho rằng ngoài việc học các môn xã hội ở trường phổ thông không tốt, tư tưởng coi trọng môn tự nhiên, coi thường môn xã hội đang diễn ra ngày một sâu rộng. “Tư tưởng này từ thời trước đã có, trong thời đại ngày càng sống gấp này thì càng in hằn rõ rệt hơn. Điều quan trọng là những trường ĐH dạy môn xã hội phải có những chiến lược “tiếp thị’ làm mới mình để gần mỗi mùa tuyển sinh phụ huynh va học sinh có cái nhìn đa chiều hơn, chứ không bị “che mắt” bởi tư tưởng “học môn khoa học xã hội thì “cạp đất” mà ăn”, nhà văn Anh Khang bày tỏ quan niệm.

PV/TN

Bài mới
Đọc nhiều