+
Aa
-
like
comment

‘Khoảng một tuần tới, số ca tử vong ở TP.HCM mới có hy vọng giảm’

31/08/2021 19:07

Sau 8 ngày xu hướng giảm, hôm qua số ca tử vong do Covid-19 tại TP HCM tăng trở lại với 335 ca, nhiều hơn 90 ca so với ngày trước.

Thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác chống dịch trên địa bàn chiều 31/8. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận gần 216.000 ca nhiễm, trải qua ngày thứ 9 siết chặt giãn cách với yêu cầu “ai ở đâu yên đó”.

Cụ thể, ngày 22/8 trước khi thành phố siết chặt giãn cách số ca tử vong là 340, đến ngày 23/8 còn 292 ca, ngày 24/8 giảm xuống còn 266, ngày 25/8 con số này là 242, ngày 26/8 số ca tử vong nhích lên 287, 27/8 con số này giảm xuống 271, ngày 28/8 còn 256 ca tử vong , số trường hợp tử vong vào ngày 29/8 còn 245 và ngày 30/8 là 335 ca. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận 9.204 ca tử vong do Covid-19, trung bình mỗi tháng hơn 1.150 ca tử vong.

Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM Phạm Đức Hải tại buổi họp báo, chiều 30/8. Ảnh: Hữu Công
Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM Phạm Đức Hải tại buổi họp báo, chiều 31/8. 

Đề cập đến số 335 ca tử vong trong ngày 30/8 khi những ngày trước có dấu hiệu giảm, GS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, người nhiễm Covid-19 sẽ có độ trễ từ 5 đến 7 ngày để virus phát triển và gây triệu chứng. Sau thời gian này, bệnh nhân có thể diễn biến nặng cần can thiệp.

Thông thường 80% trường hợp sau khi nhiễm tới ngày thứ 5, 6 sẽ thuyên giảm và tự khỏi. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sẽ diễn tiến nặng từ ngày thứ 7 đến 10 trở đi gây tổn thương đường hồ hấp, viêm phổi nặng phải nhập viện. Từ lúc bệnh nhân nhập viện sẽ có thêm độ trễ từ 5 đến 10 điều trị, bệnh nhân có thể phục hồi hoặc phải thở máy xâm lấn.

“Như vậy, số ca tử vong cũng như nhập viện sẽ có độ trễ so với đỉnh dịch của TP HCM. Do đó, ngành y tế thành phố cũng nhận định rằng có thể một tuần nữa, số ca tử vong mới hy vọng được cải thiện và giảm đi”, ông Châu nói.

GS. TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM tại buổi họp báo chiều 31/8. Ảnh: Hữu Công
GS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM tại buổi họp báo chiều 31/8.  

Về tỷ lệ tử vong, ông Châu cho biết nếu chỉ tính trên tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 158.265 thì có tỷ lệ là 5,8%. Nếu tính luôn số lượng F0 đang cách ly, điều trị tại nhà là 59.000 ca, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại TP HCM vào khoảng 4,2%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tùy giai đoạn dịch, tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1 đến 4,4%.

“Nhìn chung tình trạng tử vong ở TP HCM nằm trong tỷ lệ thống kê của thế giới, nhưng ở giới hạn cao. Đây cũng là điều mà thành phố đang tìm mọi cách để kéo giảm đi”, ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, thống kê số bệnh nhân nặng đang hồi sức tại TP HCM là 9.336 trường hợp, trong đó 1.030 người thở máy xâm lấn, là những trường hợp rất nguy kịch; 18 trường hợp chạy ECMO – biện pháp điều trị cuối cùng cho ca bị tổn thương tim, phổi rất nặng và sự thành công rất hạn chế.

Bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP HCM (TP Thủ Đức), ngày 19/7. Ảnh: Thành Nguyễn
Bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP HCM (TP Thủ Đức), ngày 19/7.  

 

Lãnh đạo Sở Y tế thành phố cũng cho biết có khoảng 80% trường hợp nhiễm Covid-19 mới không có triệu chứng, nhưng khoảng 10% sẽ trở nặng. Trong 10% này có 5% cần nhập viện điều trị và những trường hợp điều trị không khỏi sẽ tử vong. Do đó, việc xuất hiện thêm nhiều số ca mắc mới cùng một lúc sẽ dẫn đến tình trạng số ca cần hồi sức cũng tăng theo. Điều này sẽ ảnh hưởng chất lượng của hệ thống điều trị và khả năng tử vong sẽ tăng.

“Khi thực hiện Chỉ thị 16, người dân giãn cách nghiêm và phối hợp việc chích vaccine là cách để giảm đi số ca mắc mới. Mong người dân ý thức vấn đề này, cố gắng thực hiện nghiêm túc tránh tình trạng bệnh lan tràn”, ông Châu nói.

Hồng Anh 

Bài mới
Đọc nhiều