Khoảng 5 tỷ người sẽ chết đói nếu điều này diễn ra…
Trang Nature của Anh vừa đăng tải một nghiên cứu cho hay, sẽ có khoảng 5 tỷ người trên thế giới – tức là 75% dân số thế giới sẽ chết đói nếu chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ nổ ra.
Theo Nature, việc kích hoạt vũ khí hạt nhân sẽ gây ra những đám cháy vô cùng lớn và giải phóng nhiều tro bụi vào không khí, ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu đến mặt đất, làm cho sản xuất lương thực sụt giảm và khiến nhiều người chết.
“Một tỷ lệ lớn dân số sẽ bị đói. Điều này thực sự tồi tệ”, Lili Xia, một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Rutgers, đồng thời là chủ nhiệm nghiên cứu trên đánh giá với trang Nature.
Dựa trên những nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học đã tính toán lượng tro bụi được giải phóng từ các vụ nổ hạt nhân sẽ cản trở ánh sáng mặt trời như thế nào.
Nạn đói diện rộng xảy ra khi bồ hóng sau vụ nổ hạt nhân cản trở ánh sáng mặt trời trong khí quyển, làm ảnh hưởng tới mùa màng. Số người chết vì đói có khả năng cao hơn nhiều so với thương vong trực tiếp do các vụ nổ hạt nhân.
Các nhà khoa học đã vạch ra những tác động trong 6 kịch bản xung đột hạt nhân có thể xảy ra. Họ cho biết cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Nga là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra và sẽ quét sạch hơn một nửa dân số thế giới.
Các ước tính đã cho thấu rằng, sau khi vũ khí hạt nhân kích hoạt các cơn bão lửa. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công cụ dự báo khí hậu do Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia hỗ trợ, cho phép họ ước tính năng suất của các loại cây trồng chính trên cơ sở từng quốc gia.
Ngay cả một cuộc xung đột quy mô tương đối nhỏ cũng sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc cho sản xuất lương thực toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy một cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ khiến năng suất cây trồng giảm ước tính khoảng 7% trong vòng 5 năm, trong khi cuộc chiến giữa Mỹ và Nga sẽ khiến sản lượng giảm 90% trong vòng 3 đến 4 năm.
“Ánh sáng giảm, khí hậu toàn cầu lạnh hơn và những giới hạn thương mại được áp đặt sau chiến tranh hạt nhân sẽ là một thảm họa cho an ninh lương thực toàn cầu”, nghiên cứu trên dự đoán.
Alan Robock, Giáo sư về Khoa học Khí hậu tại Đại học Rutgers, cũng là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Dữ liệu trên đã nói với chúng ta một điều: Đó là chúng ta phải ngăn cản chiến tranh hạt nhân xảy ra”.
Nghiên cứu trên cũng tính toán được rằng, bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào đều sẽ tạo ra hơn 5 telegram (5 nghìn tỷ gram) tro bụi, gây ra tình trạng thiếu lương thực trên quy mô lớn ở hầu hết mọi quốc gia.
“Trong viễn cảnh khủng khiếp này sẽ có nhiều người chết ở Mỹ, châu Âu, Nga, các đồng minh và nhiều nước khác”, ông Deepak K. Ray nhận định.
Theo Nature, đây là nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này. “Chưa có ai từng đưa ra tính toán này trước đó. Chưa có ai tính toán số người sẽ thiệt mạng vì số thương vong là vô cùng khổng lồ”, nhà nghiên cứu Robock nhận định.
Các tác giả nghiên cứu ước tính rằng, số người chết đói do chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan là khoảng 2,5 tỷ người trong 2 năm sau khi xung đột nổ ra, trong khi chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ khiến khoảng 5 tỷ người trên hành tinh chết đói.
Chiến tranh hạt nhân dường như ít nguy hiểm hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng vẫn có khoảng 9 quốc gia sở hữu hơn 12.000 đầu đạn hạt nhân hiện nay.
“Nếu vũ khí hạt nhân tồn tại, chúng có thể được sử dụng và thế giới đã một vài lần tiến gần nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Cấm vũ khí hạt nhân là giải pháp dài hạn duy nhất”, nhà khoa học Robock cho hay.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét liệu sử dụng cây trồng làm thức ăn gia súc để nuôi sống người hoặc biện pháp giảm thiểu lãng phí thực phẩm có thể bù đắp tổn thất ngay sau cuộc xung đột hay không, nhưng kết luận rằng tác động sẽ chỉ rất nhỏ trong các cuộc chiến quy mô lớn hơn.
Nghiên cứu được đưa ra sau khi xuất hiện lo ngại về chiến tranh giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 4 cảnh báo rằng có nguy cơ nghiêm trọng về chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Bảo Trâm (Theo Nature, New Weeks)