Khoán xe công: Đã đến lúc cần phải “bắt buộc khoán”
Kiểm toán nhà nước vừa có báo cáo về việc sử dụng xe công trên cả nước trong năm 2019. Từ số liệu công bố, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm. Ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm. Nếu bắt buộc khoán xe công, ngân sách nhà nước ước tính sẽ tiết kiệm được tới 1.500 tỷ đồng mỗi năm.
Tôi còn nhớ, cách đấy khá lâu, khi ông Trương Đình Tuyển khi còn làm bí thư tỉnh ủy Nghệ An, ông đã nhiều lần đi xe máy xuống tận các địa phương để bám sát tình hình, gần gũi với người dân, nghe được nhiều tâm tư nguyện vọng cụ thể của dân …Việc làm của ông đã được nhiều tờ báo phản ảnh, nêu gương.
Khách quan mà nói, những lợi ích và ý nghĩa to lớn của cơ chế mới về quản lý và sử dụng xe công (khoán xe công), sẽ góp phần phần tiết kiệm ngân sách cho quốc gia mà còn tạo ra một thói quen tốt cho việc gần dân của các quan chức vẫn có thói quen “lên xe, xuống ngựa”, ngày càng xa rời dân như người ta vẫn thường nói.
Việc khoán kinh phí sử dụng xe công cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn lạm dụng và sử dụng tài sản công; Nâng cao tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Quy định này cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Về nguyên tắc, khi đã thực hiện cơ chế khoán thì số xe lượng xe công có thể sẽ được giảm đi và chi phí nuôi xe công cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, từ báo cáo có thể thấy, số lượng đầu xe đã không giảm nhiều và chi phí gần như vẫn giữ nguyên qua bao nhiêu năm.
Khoán xe công không còn là chuyện mới! Nhiều đại biểu cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện khoán xe công từ lâu và chủ trương này mang lại hiệu quả đáng kể. Tại Việt Nam, cách đây vài chục năm, việc khoán xe công đã có người xung phong thực hiện. Tuy nhiên đến nay, một số người từng đăng ký khoán xe công lại quay trở lại sử dụng xe công. Vì sao lại có tình trạng này?
Thực tế, ngày nay chuyện xe công đi lễ chùa, đi ăn cưới, đi ăn tiệc, nhận xe doanh nghiệp biếu tặng… hầu như năm nào cũng xuất hiện trên đài báo, bất chấp trước đó có đầy văn bản nghiêm cấm, chấn chỉnh. Không thể kể hết các dẫn chứng cho thấy, xe công từ chỗ là một phương tiện được trang bị để tạo thuận lợi cho quan chức và công chức làm việc, thì lại biến thành lợi ích, là công cụ giải quyết khâu oai và lạm dụng của công. Một “ông quan” chỉ cần nhấc máy gọi là văn phòng tất bật chuẩn bị xe cho ông đi, thích hơn nhiều đưa ông ấy một cục tiền. Bởi vấn đề nhiều khi không phải là tiền, mà là đẳng cấp. Không có xe công để đi thì nghĩa là đẳng cấp đã bị hạ. Cho nên không dễ mà một sớm một chiều người ta có thể từ bỏ ngay lợi ích ấy được. Còn những Quyết định trước giờ của Thủ tướng về xe công cũng đều đưa ra với tinh thần là “khuyến khích” khoán xe công chứ chưa phải là “bắt buộc” những người có tiêu chuẩn phải nhận khoán.
Đã đến lúc không nên “khuyến khích” mà phải là “bắt buộc” khoán xe công. ngân sách đã hạn hẹp lắm rồi. Tất cả các vị trí có chế độ xe công đều phải bắt buộc khoán hết, chứ không chỉ là một vài vị trí hay là làm thí điểm ở bộ ngành nào. Trừ trường hợp một số cấp cực kỳ quan trọng như Bộ Chính trị, các bộ trưởng, người đứng đầu các địa phương… thì có chế độ ưu tiên đặc biệt. Còn nếu chỉ khoán một vài vị trí, ở một vài bộ ngành để làm thí điểm thì việc tiết kiệm này không mang nhiều ý nghĩa lắm.
Cùng với đó, phải xóa bỏ tâm lý chỉ đi xe công thì mới “oai”, đi xe ôm, đi xe taxi thì xộc xệch, bụi bặm. Tất nhiên khi khoán xe công cũng tính đến những khó khăn mà người được khoán xe gặp phải, nhất là trong tình trạng các loại phương tiện khớp nối chưa hoàn chỉnh, phương tiện công cộng chưa phát triển, chưa chuyên nghiệp. Tránh tình trạng đi làm muộn, đi họp muộn vì không bắt được xe.
Có thể nói, khoán xe công là một chủ trương đúng nhưng cách thực hiện phải kiên quyết, rõ ràng, minh bạch, không bị các mối quan hệ níu kéo… thì mới dám mong thành công.
Diệu Hương