Khoan thư sức dân luôn là quốc sách dựng nước và giữ nước
Muốn ổn định đất nước, muốn cho thế nước được mạnh, đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc thì phải làm sao giữ được lòng dân, đoàn kết được toàn dân trên cơ sở những chính sách tiến bộ của mình. Khoan thư sức dân luôn luôn là quốc sách và thượng sách giữ nước của cha ông ta từ xa xưa. Cho đến nay, đây vẫn là ưu sách được Đảng và Nhà nước áp dụng, thực hiện.
Từ xa xưa “khoan thư sức dân” là thượng sách để phát triển đất nước
Cách đây 718 năm, vào năm 1300 Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – Đức Thánh Trần – trước khi mất hai tháng, đã tâu với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.
Khoảng từ năm 1440 đến 1442, trước vụ Lệ Chi Viên thảm khốc, khi được vua Lê Thái Tông sai soạn lễ nhạc cung đình (nhã nhạc), Nguyễn Trãi tâu, xin nhà vua hãy chăm dân “Sao cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”, bởi vì “Đó là cái gốc của lễ nhạc”. Lúc ấy, cũng đang là thời bình và làm cho “khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”, chính là “khoan thư sức dân”.

Trước khi qua đời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn rằng, sau ngày thắng lợi, Chính phủ hãy miễn thuế nông nghiệp cho dân vài ba năm. “Sau ngày thắng lợi” tức là thời bình. “Miễn thuế nông nghiệp” tức là “khoan thư sức dân” …
Bác Hồ dặn “chớ điếu phúng linh đình mà lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”… Người cũng từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Giành độc lập là việc thời chiến, làm cho dân hạnh phúc là việc thời bình. Xem thế, đủ biết lời Bác Hồ đã gồm nhiều lời của tiền nhân.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Do đó, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”
Thành thử, tự cổ chí kim, các bậc vĩ nhân đều cảm động/ cảm thông với nỗi cực nhọc của nhân dân trong thời chiến, mà chủ trương “khoan thư sức dân” trong thời bình, dù dưới chế độ nào.
Nói theo lối dân gian, “Hành chính” không phải rằng “hành” là “chính”… Muốn thế, thì đảng viên, cán bộ ta phải yêu điều dân yêu, ghét điều dân ghét; phải thấy việc gì có lợi cho dân thì mới làm, việc gì có hại cho dân thì kiên quyết bỏ. Mà muôn đời, dân yêu nhất là “thái bình hạnh phúc”, dân ghét nhất là “thủy, hỏa, đạo, tặc”.
Đảng và Nhà nước quan tâm “mở mang sức dân”
Nhân kỷ niệm 74 năm Quốc khánh CHXHCN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về sự kiện này trước đông đảo quan khách trong và ngoài nước. Thủ tướng nói:
“Khát vọng “độc lập, tự do” đã cháy bỏng trong suốt quá trình đấu tranh giành quyền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân chúng tôi và ngày hôm nay, tiếp bước những thế hệ cách mạng đi trước, người dân Việt Nam đang cháy bỏng khát vọng về “hòa bình và thịnh vượng” và vững bước tiến tới “đài vinh quang” sánh vai với các cường quốc, bạn bè 5 châu, như niềm mong ước trước khi đi xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh 50 năm trước”.
Thời gian qua và ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ Việt Nam xác định: “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tập trung nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và của từng sản phẩm, dịch vụ; xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để có được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp trong và ngoài nước, để “mở mang sức dân” mạnh mẽ cho thực hiện khát vọng phát triển hùng cường của đất nước.
Sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên, dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới nền kinh tế số, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của LHQ, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy vẫn còn những tồn tại, những tác động của nhiều diễn biến quốc tế không thuận, thiên tai, hạn hán khốc liệt, nhưng nền kinh tế Việt Nam trong những tháng qua đã đạt nhiều tín hiệu vui, niềm lạc quan mới.

“Khoan thư sức dân” xây dựng thế trận lòng dân thời đại mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Khoan thư sức dân thì đất nước mới mạnh, mới sâu rễ, bền gốc. Phải giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Các cấp, các ngành phải nêu gương trong việc tiết kiệm công quỹ; quyết liệt chống tiêu cực, lãng phí”, chợt thấy lời người xưa/ người trước đang còn “dài” tới tận ngày nay, mà mừng.
Bồi dưỡng và nâng cao sức dân là vừa lo cho dân có đời sống vật chất no đủ, vừa phải vun bồi đời sống tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú, hun đúc nhiệt huyết cách mạng của Nhân dân ngày càng lớn, tình yêu Tổ quốc ngày một cao, lòng nhiệt tình với chế độ ngày một dày.
Nghĩ lại, từ khi Đảng ta và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “nhóm lò” chống tham nhũng, để lò nóng đến mức “củi tươi cho vào cũng phải cháy”, càng thêm mừng! Vì thế là, cuối cùng, cả Đảng cầm quyền, cả Nhà nước ta, cùng với “gốc rễ” đều đã quá “ghét điều dân ghét” – “thủy, hỏa, đạo, tặc” – mà khởi xướng và lãnh đạo việc dẹp “giặc nội xâm”, nhằm “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.
Ngăn chặn một số cán bộ lo “chạy chức, chạy quyền”; với cán bộ lãnh đạo cấp cao là tư duy nhiệm kỳ, “hoàng hôn, khóa cuối”, tham nhũng, hối lộ, tranh thủ bòn rút, vơ vét của công là điều đặc biệt cần quan tâm. Nếu không dù vô tình hay hữu ý đưa vào bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước một bộ phận cán bộ cơ hội, thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, hoặc “lợi ích nhóm”, điều đó đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, đã và đang xuất hiện những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để khôi phục và củng cố “thế trận lòng dân”, Đảng cần phải có quyết tâm cao cùng những giải pháp đột phá chiến lược và đồng bộ, bởi nhân dân luôn là yếu tố trung tâm của cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Thấm nhuần chân lý của dân tộc, “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, hơn bao giờ hết, đòi hỏi các cấp, các ngành phải luôn bám sát dân, thấu hiểu dân; kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, để ý Đảng, lòng dân luôn hòa quyện. Cội nguồn tạo nên sức mạnh kỳ diệu làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, chính là nơi tụ hội của lòng dân, ý Đảng.
Khi lòng dân đã tin, ý Đảng đã thống nhất và cùng lựa chọn được người đứng đầu liêm chính, có tầm nhìn, có tâm huyết, hết lòng vì dân, vì nước, thì có thể tin tưởng rằng, dòng chảy lịch sử và xu thế thời đại đang đưa dân ta, nhà nước và Đảng ta tới bước chuyển mới để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước nhà thịnh vượng, dân tộc trường tồn.
Tieu Diem