Khoản đầu tư lỗ 1.000 tỷ, Bộ Tài chính cảnh báo giám sát đặc biệt
Tổng công ty Xi măng Việt Nam đầu tư vào Vicem Tam Điệp 1.132 tỷ đồng, nhưng Vicem Tam Điệp lỗ tới hơn 1.103 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn 86 tỷ đồng.
Nhiều công ty thua lỗ, giám sát đặc biệt
Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá tình hình tài chính của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), trong đó đề cập đến khoản đầu tư của VICEM vào Vicem Tam Điệp.
VICEM đầu tư vào Vicem Tam Điệp 1.132 tỷ đồng. Nhưng Vicem Tam Điệp lỗ tới hơn 1.103 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn 86 tỷ đồng. Bộ Tài chính đánh giá điều này cho thấy công ty mẹ không bảo toàn được vốn đầu tư tại công ty con.
Năm 2018, doanh thu của Vicem Tam Điệp là gần 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 14 tỷ đồng. Nhưng do số lỗ lũy kế khá lớn (hơn 1.000 tỷ đồng) nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 86 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 17,7 lần, hệ số thanh toán nợ ngắn hạn là 0,25. Bộ Tài chính nhận định công ty mất an toàn tài chính nghiêm trọng, mất khả năng thanh toán, hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ.
Như vậy, căn cứ theo điều 24 Nghị định 87 của Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá công ty Vicem Tam Điệp thuộc diện “phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt”.
Ngoài ra, hai công ty mà Vicem phải tiếp nhận về từ Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị theo chủ trương của Chính phủ là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao vẫn chưa khởi sắc.
Xi măng Hạ Long vẫn lỗ lũy kế tới gần 3.600 tỷ đồng. Công ty vẫn bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính nghiêm trọng, khó cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp, thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt.
Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế hơn 400 tỷ đồng, cũng mất an toàn về tài chính và thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Vicem, Bộ Xây dựng tăng cường công tác giám sát đối với Vicem Tam Điệp, Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao; đồng thời chỉ đạo, điều hành để các công ty này dần dần khắc phục khó khăn và trả được nợ vay.
Nhiều công ty sản xuất xi măng khác của Vicem như Hà Tiên 1, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, Xi măng Bỉm Sơn cũng bị Bộ Tài chính đánh giá là có sự tăng trưởng nhưng với hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn đều thấp hơn 1, đặc biệt các công ty có hệ số từ 0,5 trở xuống, cho thấy các công ty này gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ đến hạn, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối về tài chính.
Kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ Vicem: Năm 2018 tổng doanh thu gần 1.700 tỷ đồng, bằng 52% so với năm 2017. Cổ tức và lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết năm 2018 của công ty mẹ giảm so với năm 2017.
Vicem giá trị bao nhiêu khi cổ phần hóa?
Trong báo cáo kiểm toán về việc xử lý tài chính trước khi cổ phần hóa gửi đến Bộ Xây dựng mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong hoạt động của Vicem.
Đáng chú ý, liên quan đến giá trị tiềm năng phát triển của công ty mẹ Vicem, Vicem Tam Điệp và Vicem Hải Phòng, KTNN và đơn vị tư vấn xác định giá trị tiềm năng phát triển bằng 0 đồng. Lý do là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 5 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp nhỏ hơn lãi suất của trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 5 năm do Bộ Tài chính công bố.
Ngoài ra, KTNN xác định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỷ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản. Cụ thể, giá trị tài sản Vicem thời điểm tháng 10/2018 khoảng 28.227 tỷ đồng và giá trị vốn nhà nước khoảng 27.803 tỷ đồng, theo kết quả của KTNN.
Trường hợp xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, Kiểm toán Nhà nước khẳng định tổng giá trị vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của Vicem.
Nguyên nhân chênh lệch nghìn tỷ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem trước cổ phần hóa được KTNN chỉ ra là khi xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC chưa tính đến giá trị quyền khai thác khoảng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem.
Bên cạnh đó, một loạt thiếu sót khác cũng được KTNN chỉ ra trong báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa do Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Đó là việc tính toán chưa đầy đủ giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.
Hiện Vicem và các công ty con đang sở hữu nhiều lô đất, tài sản trên đất có giá trị tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An. Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị Vicem và đơn vị kiểm toán xác định đầy đủ giá trị các lô đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Ngày 10/7/2018, Ban bí thư TƯ Đảng quyết định kỷ luật cách chức đối với nguyên Tổng giám đốc VICEM Trần Việt Thắng.
Trong thời gian giữ chức phó bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc VICEM và chủ tịch HĐQTị, Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1, ông Thắng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm điều lệ tổ chức và hoạt động của tổng công ty, ký ban hành và tổ chức thực hiện một số quy định về quản lý kinh doanh không đúng thẩm quyền.
Lương Bằng/ Vietnamnet