+
Aa
-
like
comment

Khoai tây vẫn là khoai tây, làm sao phân biệt hàng Tàu hay hàng Ta

10/07/2019 08:41

Hàng hóa Việt Nam xuất đi nước ngoài bị gian lận xuất xứ, hàng hóa bán trong nước cũng bị gian lận từ củ khoai đến quần áo, đồ gia dụng…

Từ củ khoai tây đến quần áo

Tại cuộc họp triển khai Đề án “tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” ngày 9/7, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đưa ra hàng loạt dẫn chứng về việc hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam.

“Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, bị phát phiện chứa độc tố hoặc hàm lượng vượt mức cho phép, đặc biệt là chất phụ gia ngoài danh mục, nhất là sản phẩm liên quan đến thực phẩm.

“Có hàng hóa thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam, ghi rõ trên bao bì là xuất xứ tại Việt Nam”, ông Linh chia sẻ.

Khoai tây Trung Quốc từng đội lốt khoai tây Đà Lạt để lừa người tiêu dùng.
Khoai tây Trung Quốc từng đội lốt khoai tây Đà Lạt để lừa người tiêu dùng.

Chẳng hạn, tháng 11/2018, nhiều vật liệu xây dựng, ổ khoá từ biên giới từ nước ngoài nhập vào Việt Nam nhưng ghi là “made in Vietnam”.

Lý do là bởi người Việt chuộng hàng Việt hơn do trên thị trường, hàng hóa trôi nổi, hàng giả ngày càng nhiều. Thế nên, các DN lợi dụng ghi là xuất xứ “made in Vietnam” để tuồn vào tiêu thụ nội địa dù bị cảnh báo rất nhiều.

Nhắc vụ khoai tây Trung Quốc trà trộn giả làm khoai tây Đà Lạt, ông Trần Hữu Linh khẳng định: Đó là hành vi gian lận xuất xứ, đánh đồng với khoai tây Đà Lạt.

Đề cập khu chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay: “Tuần trước chúng tôi kiểm tra ở chợ Ninh Hiệp. Đây là điểm nóng nhiều năm nay. Hầu hết toàn bộ quần áo túi xách dán nhãn made in Vietnam”.

Hay, “Hoa Kỳ có phát hiện một số lô hàng trà, cà phê, nước mắm có gian lận xuất xứ. Bao bì ghi trà, cà phê, nước mắm made in Viet Nam, nhưng không phải của Việt Nam”.

Nói về khó khăn liên quan đến pháp lý, ông Trần Hữu Linh nhận xét: Phải bắt quả tang mới xử lý được, điển hình như vụ Khaisilk. Còn không phải đi kiểm tra, phải đi giám định chất lượng, nhưng kể cả giám định cũng không hề đơn giản. “Ví dụ khoai tây, có giám định vẫn là củ khoai tây, hàm lượng giống nhau làm sao xác minh được trong khi người bán vẫn nói là khoai tây Việt Nam”, ông Linh chia sẻ.

Trong số hàng loạt kiến nghị đưa ra, ông Linh cho rằng: Căn cơ nhất phải có biện pháp về mặt lâu dài, đó là công nghệ. Ví dụ, để xác định rõ nguồn gốc nông sản có phải của Việt Nam hay không thì phải truy xuất nguồn gốc, nếu không rất khó. “Tới đây chúng tôi đề xuất, Bộ Công Thương nên đứng ra chủ trì đề án hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ vào công tác truy xuất nguồn gốc, chống giả mạo xuất xứ hàng hóa”, ông Linh nói.

Ngay cả với hàng hóa phát hiện gắn mác made in Vietnam nhưng không phải là hàng Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường cũng không thể xử ý “tội” này được. Quản lý thị trường phải “đi vòng” bằng cách xử phạt hàng không có hóa đơn chứng từ hay đem đi kiểm nghiệm xem đảm bảo chất lượng hay không.

“Đây là hành vi bị tố gian lận thương mại xảy ra ngay gần đây đặt ra vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp luật”, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nói.

Hàng hóa xuất đi nước ngoài cũng gian lận

Hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam giả mạo là hàng Việt để bán cho người tiêu dùng. Nhưng hàng hóa trong nước xuất đi nước ngoài cũng có tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục Phòng vệ thương mại, cho hay tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh thuế ngày càng diễn biến phức tạp. “Khi có thông tin dấu hiệu về gian lận xuất xứ hàng hóa, chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O siết chặt việc quản lý với các mặt hàng như lốp ô tô, thép cán nguội”, ông Dũng cho hay.

Trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ Trung, thì nguy cơ gian lận gia tăng. Nguồn gốc của việc lẩn tránh thuế là có sự chênh lệch giữa thuế suất ưu đãi và thuế suất thông thường.

Do nhiều nước áp dụng cơ chế cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, nên việc tuân thủ phải dựa trên ý thức của doanh nghiệp.

Về mặt chủ quan, nhiều doanh nghiệp thực hiện hành vi bất hợp pháp rất tinh vi. Có thể cung cấp hồ sơ giả mạo để xin Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hay làm C/O giả. Hoặc thành lập DN để xuất khẩu trong thời gian ngắn rồi giải thể.

“Việc xác minh tương đối phức tạp. Nếu kiểm tra C/O nhưng không đi kiểm tra chi tiết thì khó phát hiện vi phạm”, ông Lê Triệu Dũng chia sẻ.

Nhắc đến số liệu xuất khẩu vào Mỹ thời gian qua tăng cao, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ chia sẻ: Những năm trước đó là thành tích của ngành Công Thương, nhưng trong bối cảnh gian lận thương mại, tình hình chuyển luồng đầu tư sản xuất thương mại thì thấy lo nhiều hơn vui. Bởi, với việc tăng trưởng xuất khẩu như vậy, chiếu theo nhóm hàng thì mức tăng trưởng này cần lưu tâm hơn, xem có thực sự là hàng xuất xứ Việt Nam hay có dấu hiệu lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương, cho rằng: Câu chuyện hàng nước ngoài đột lốt xuất xứ Việt Nam là câu chuyện mới, có nhiều điểm bất thường; gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng.

“Nông sản đội lốt xuất xứ Đà Lạt là câu chuyện lợi dụng thương hiệu, tâm lý người tiêu dùng để trục lợi. Rõ ràng, điều này đang đặt ra vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp luật”, ông Trần Tuấn Anh nói.

“Qu vụ Asanzo, Bộ Công Thương đang xây dựng một thông tư hướng dẫn việc cấp chứng nhận sản xuất xuất tại Việt Nam, dành cho mọi sản phẩm tiêu thụ tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm. Nhiều nước trên thế giới không có quy định thế nào là sản phẩm được cấp chứng nhận sản xuất tại quốc gia đó. Vì thế cần làm cẩn trọng, bước đầu Bộ đã báo cáo lên Chính phủ.

(Theo Vietnamnet)

Bài mới
Đọc nhiều