+
Aa
-
like
comment

Khó xử phạt trẻ em uống rượu bia theo Nghị định 117

20/12/2020 10:10

Sau hơn 1 tháng Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó quy định xử phạt trẻ em uống rượu bia có hiệu lực thi hành, những bất cập của nghị định này dần lộ rõ.

Nghị định 117 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11. Tại điều 30 của nghị định quy định mức phạt từ 200.000 – 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Còn tại điều 31 quy định mức phạt từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi…

Với quy định này, nhiều người cho rằng việc xử phạt khó có khả thi, bởi người bán đâu thể kiểm tra độ tuổi của người mua. Thực tiễn thì hơn 1 tháng sau khi nghị định có hiệu lực, nhiều người vẫn chưa biết lực lượng nào xử phạt, hoặc có trường hợp nào bị xử phạt hay chưa…

Khó xử phạt trẻ em uống rượu bia theo Nghị định 117 - Ảnh 1.

Giải thích về vấn đề này, TS Nguyễn Vinh Huy – Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam – cho biết tại khoản 2, 3 điều 5, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia như sau: Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Nghị định 117 đã cụ thể hóa quy định trên bằng mức phạt cụ thể đối với hành vi mua rượu, bia của người chưa đủ 18 tuổi cũng như hành vi bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Hành vi bán rượu cho người dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và được quy định lần đầu tiên trong Nghị định 40 về sản xuất, kinh doanh rượu. Sau đó, Nghị định 105 tiếp tục kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP và quy định việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.

Việc quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một quy định đúng đắn, đưa hệ thống pháp luật nước ta đến gần hơn với quy định của các nước tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, quy định là như vậy, xong việc triển khai và thực hiện trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy ở Việt Nam, trẻ em cũng có thể đi mua rượu một cách dễ dàng, hoạt động bán lẻ rượu và bán rượu để sử dụng tại chỗ gần như bị buông lỏng hoàn toàn và không phải chịu bất kỳ một cơ chế quản lý nào. Rõ ràng đây là một vấn đề không hề đơn giản.

Những quy định nêu trên rất khó đi vào thực tế cuộc sống, đặc biệt là quy định cấm người từ đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi uống rượu, bia và quy định cấm bán rượu, bia cho người từ đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi bởi vì nhiều lý do khác nhau:

Đầu tiên phải kể đến là do ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, đặc biệt là người chưa đủ 18 tuổi, chưa nhận thức được hết tác hại của rượu bia đối với bản thân và đối với xã hội.

Thứ hai, thay vì tới những cửa hàng chuyên kinh doanh rượu để mua thì người dân thường tìm đến những quán tạp hóa nhỏ lẻ vì tiết kiệm được chi phí. Ở những nơi này, việc kiểm tra độ tuổi của khách hàng mua rượu hầu như không được thực hiện.

Thứ ba, việc người bán từ chối bán rượu cho người dưới 18 tuổi là rất khó thực hiện vì nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của họ.

Thứ tư, việc uống rượu, bia của người dưới 18 tuổi xuất phát phần lớn là do học đòi theo người lớn, bị bạn bè ép uống hoặc việc uống rượu, bia này theo họ được cho là một việc làm thể hiện mình trưởng thành.

Thứ năm, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn khá lỏng lẻo. Mức xử phạt đối với hành vi trên còn khá thấp và chưa mang tính răn đe cao.

Như vậy, có thể thấy, khi ban hành các quy định nêu trên thì nhà làm luật luôn mong muốn các quy định đó được thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, từ quy định được ban hành đến hiệu quả đạt được trên thực tế còn khá xa, có nhiều quy định vẫn chưa thể được áp dụng và không khả thi.

Để Nghị định 117 đi vào đời sống, theo TS Nguyễn Vinh Huy, trước hết cần khắc phục những nguyên nhân nói trên. Trong đó, đối với việc xác định độ tuổi của khách hàng mua rượu, bia, phải siết việc tuân thủ từ người bán, buộc họ yêu cầu người mua xuất trình một trong trong các loại giấy tờ như CMND, sổ hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên,…

Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm kinh doanh rượu, bia để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia, ngăn chặn hiện tượng uống rượu bia quá nhiều gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn; các sở, ban, ngành có liên quan cần nhanh chóng có ý kiến góp ý để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch triển khai thi hành Nghị định 117.

Trường Hoàng/PL

Bài mới
Đọc nhiều