Kho vũ khí hạt nhân của Nga thực sự mạnh đến đâu?
Kho vũ khí hạt nhân của Nga đã giảm mạnh kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng nước này vẫn duy trì số lượng dự trữ đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới.
Không lâu sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bắt đầu diễn ra, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào “tình trạng báo động cao”.
“Bất cứ ai cố gắng cản trở chúng ta, chứ chưa nói đến việc tạo ra các mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng ta, họ cần phải biết rằng phản ứng của Nga sẽ diễn ra ngay tức thì và sẽ dẫn đến những hậu quả mà họ chưa từng thấy trong lịch sử,” ông Putin tuyên bố trong bài phát biểu từ Moscow.
“Không ai có thể nghi ngờ rằng một cuộc tấn công trực tiếp vào đất nước của chúng ta sẽ dẫn đến sự hủy diệt và hậu quả khủng khiếp đối với bất kỳ kẻ xâm lược tiềm ẩn nào… Nga là một trong những cường quốc hạt nhân hùng mạnh nhất và cũng có những lợi thế nhất định trong một loạt vũ khí tối tân”.
Với thông điệp mang tính cảnh báo rõ ràng như vậy, một cầu câu hỏi đặt ra lúc này là: Năng lực hạt nhân của Nga thực sự mạnh đến đâu?
Mặc dù Nga đã giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng nước này vẫn duy trì số lượng dự trữ đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới.
Theo Bulletin of the Atomic Sciences, tính đến năm 2022, Nga có khoảng 4.447 đầu đạn, trong đó 1.588 đầu đạn được triển khai trên trên các tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom hạng nặng, khoảng 977 đầu đạn chiến lược và 1.912 đầu đạn phi chiến lược đang được dự trữ.
Ukraine cũng được thừa hưởng một số lượng lớn vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 nhưng quốc gia này đã quyết định phi hạt nhân hóa hoàn toàn theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 và nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.
Cho đến nay, Nga đã triển khai một số phương tiện “có khả năng kép”, về mặt lý thuyết có thể phóng vũ khí hạt nhân gần Ukraine, nhưng trên thực tế không có dấu hiệu nào cho thấy nước này thực sự đã triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các đơn vị giám sát hạt nhân.
Tùng Anh