‘Khó tránh lobby, nhưng quyết định là của Quốc hội’
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định như vậy trước các hoài nghi của dư luận về việc có đại biểu Quốc hội phát biểu theo “đơn đặt hàng”.
Chiều tối 27-11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và trả lời các câu hỏi của báo chí.
* Tuổi Trẻ: Trong các phiên thảo luận của Quốc hội, có tình trạng một vấn đề, chính sách hoặc dự án được nhiều đại biểu cùng đề cập với tần suất dày, lặp đi lặp lại. Có ý kiến cho rằng một số đại biểu được lobby, nhận “đơn đặt hàng” để phát biểu theo chủ đích của một nhóm lợi ích. Tổng thư ký có quan điểm thế nào về vấn đề này?
– Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là vấn đề khó, tôi cũng không rõ lắm. Nếu có phần mềm nào đấy có thể phân tích được rõ thì tốt. Đại biểu Quốc hội có quyền phát biểu. Đại biểu còn được cấp kinh phí để thuê chuyên gia viết bài.
Có thể có vấn đề được nhiều đại biểu cùng quan tâm, chuẩn bị bài phát biểu sẵn rồi, nên tuy trùng với người đã phát biểu trước nhưng họ vẫn trình bày ý kiến của mình. Theo tôi, không nên đặt vấn đề một cách nặng nề.
* Tuổi Trẻ: Lobby là một vấn đề được nhiều nghị viện quan tâm, nhiều nước đã có luật về hoạt động này để tránh tác động xấu đến quyết định cuối cùng. Ở nhiệm kỳ trước, Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định Nguyễn Anh Sơn từng nói ông phát hiện tới 4 đại biểu phát biểu có những đoạn giống y chang nhau. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó cũng từng cảnh báo “đại biểu đọc bài của người khác”.
Tìm hiểu thì có chuyện bộ, ngành in tài liệu, phát biểu “gửi gắm” một số đại biểu “nói giúp”. Đây là thực tế cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến.
– Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tôi nghĩ rằng trong quá trình làm việc, tiếp xúc với bộ ngành, các đại biểu có trao đổi, khó tránh chuyện tác động. Nhưng tôi cho rằng không vì thế mà có thể làm lệch lạc các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Khi xây dựng một dự án luật, Quốc hội thảo luận qua 2 kỳ họp, có cơ quan thẩm tra, với những vấn đề có quan điểm khác nhau còn lấy ý kiến các đại biểu trước khi thông qua. Cuối cùng, Quốc hội mới quyết định tập thể.
* VOV: Vừa rồi Quốc hội sửa luật, quy định việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật nhưng đã nghỉ hưu, trong đó có hình thức xóa tư cách chức vụ người vi phạm đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng, điều này có thể hiểu như thế nào?
– Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang: Đây là chủ trương lớn của Đảng, cũng đáp ứng yêu cầu của cử tri. Đây là hình thức kỷ luật đã được Đảng áp dụng, vừa qua luật đưa nội dung này vào để đảm bảo tính đồng bộ. Thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì điều này sẽ được áp dụng.
Lắng nghe người dân, cải cách chế độ công vụ
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình Biển Đông, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục chủ động theo dõi sát thực tiễn, kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đề nghị các đại biểu Quốc hội kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
LÊ KIÊN/ Tuổi Trẻ