+
Aa
-
like
comment

Khó lường chủng vi rút mới của Covid-19

18/08/2020 07:54

Malaysia và Philippines vừa phát hiện các đột biến mới của SARS-CoV-2, loại vi rút đang gieo rắc dịch Covid-19 trên toàn cầu, trong đó đột biến ở Malaysia dễ lây gấp 10 lần so với chủng ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). 

Bộ Y tế Malaysia ngày 16.8 xác nhận đã tìm ra một đột biến mới của chủng vi rút D614 gây Covid-19 trong các mẫu sinh phẩm của 3 ca bệnh thuộc ổ dịch Sivagangga (Ấn Độ) và 1 ca thuộc ổ dịch Ulu Tiram (Malaysia). Trong đó, ổ dịch Sivagangga bắt nguồn từ một chủ nhà hàng vừa quay về Malaysia từ thị trấn Sivagangga thuộc bang Tamil Nadu của Ấn Độ và trốn lệnh cách ly. Và ổ dịch còn lại xuất phát từ một số người quay về từ Philippines.

Chìa khóa của siêu lây lan

Được gọi là D614G, chủng vi rút đột biến mới được xác định dễ lây gấp 10 lần so với D614, chủng ban đầu ở Vũ Hán, theo báo New Straits Times. SARS-CoV-2 đã trải qua một vài đợt đột biến kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12.2019. Tuy nhiên, chỉ có một trong số này được cho là có khả năng thay đổi hành vi của vi rút, đó chính là D614G. Kể từ lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 2 ở châu Âu (nhiều khả năng tại Ý), D614G đã trở thành chủng vi rút Corona gieo rắc dịch bệnh nhiều nhất thế giới, hơn hẳn các biến thể “L” và “S”.

Đẩy nhanh quá trình xét nghiệm giúp nâng cao khả năng phòng dịch /// REUTERS
Đẩy nhanh quá trình xét nghiệm giúp nâng cao khả năng phòng dịch. 

Trong một bài viết trên Facebook, ông Noor Hisham Abdullah, Tổng giám đốc cơ quan y tế Malaysia, cảnh báo D614G có tiềm năng làm bùng phát các ca “siêu lây lan”, nhờ vào khả năng sản sinh nhiều hơn hẳn số lượng vi rút trong đường hô hấp của người bệnh, khiến SARS-CoV-2 lây từ người này sang người khác một cách dễ dàng hơn trước.

Theo ông Abdullah, sự tồn tại của chủng vi rút trên đồng nghĩa với việc các cuộc nghiên cứu vắc xin đang được triển khai có thể vẫn chưa hoàn chỉnh hoặc không có tác dụng trước đột biến mới. Tuy nhiên, ông trấn an rằng hiện hai ổ dịch Sivagangga và Ulu Tiram vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhờ vào sự can thiệp nhanh chóng của giới chức y tế. Bên cạnh đó, đây mới là kết quả ban đầu và giới hữu trách đang tiến hành xét nghiệm một số đợt khác.

Đột biến ở Philippines

Trong khi đó, giới chức y tế Philippines hôm qua cũng công bố đã phát hiện một đột biến dễ lây của SARS-CoV-2 tại nước này. Theo Đài CNN dẫn thông tin từ Trung tâm gien Philippines, đột biến này có tên G614, được tìm thấy trong một số mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút Corona tại TP.Quezon (Philippines), với dân số khoảng 2,9 triệu người. Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire thận trọng cho rằng dù báo cáo xác nhận sự hiện diện của G614 tại quốc gia Đông Nam Á, tất cả mẫu đều xuất phát từ TP.Quezon nên chưa thể khẳng định rằng chủng đột biến đã lây lan khắp toàn quốc.

Trong một báo cáo đăng trên chuyên san Cell vào tháng 7, các chuyên gia phát hiện những bệnh nhân nhiễm đột biến G614 có tải lượng vi rút cao hơn so với chủng ban đầu D614. Tuy nhiên, ngoại trừ khả năng dễ lây lan hơn, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy chủng đột biến này sẽ khiến bệnh nặng thêm hoặc nâng cao nguy cơ tử vong ở người bệnh.

Một loạt các báo cáo đang chờ bình duyệt bắt đầu ghi nhận được nhiều dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy hệ miễn dịch chống trả mạnh mẽ và kéo dài ở những người mắc Covid-19. Theo báo The New York Times hôm 17.8, các kháng thể cũng như nhóm tế bào miễn dịch B và T xuất hiện trong cơ thể bệnh nhân Covid-19 suốt nhiều tháng liên tiếp sau khi họ được chữa khỏi. Dù các nhà nghiên cứu chưa dự đoán được tác động này sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng cũng vui mừng vì đây là bằng chứng cho thấy các tế bào chịu trách nhiệm bảo vệ cơ thể đang cần mẫn “học hỏi” và làm việc để tìm ra cơ chế phản ứng trước vi rút.

Anh kêu gọi nhóm nguy cơ cao thử vắc xin

Theo Reuters ngày 17.8, cơ quan chức năng tại Anh đang kêu gọi người trên 65 tuổi, các nhân viên y tế và những người gốc Á, Phi đăng ký thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 nhằm xác định khả năng bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao.

Trên thế giới có khoảng 140 vắc xin ngừa Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 20 vắc xin đã vào giai đoạn được thử nghiệm lâm sàng. Tại Anh, hơn 100.000 người đã tình nguyện tham gia thử nghiệm nhưng vẫn cần thêm người nhằm đảm bảo tính hiệu quả. “Bảo vệ những người có nguy cơ là cách duy nhất chúng ta chấm dứt đại dịch này. Chúng ta vẫn cần thêm người thuộc các thành phần khác nhau nhằm sớm tìm ra vắc xin bảo vệ được tất cả các nhóm,” theo bà Kate Bingham thuộc lực lượng chuyên trách về vắc xin của Anh. Một nghiên cứu tại Anh cho thấy các nhóm thiểu số có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn gấp 2 – 3 lần so với những người còn lại.

Khánh An/ TNO

Bài mới
Đọc nhiều