Khó khăn vẫn chưa “buông tha” châu Âu
Trang Guardian cho biết, khủng hoảng năng lượng tại châu Âu khiến các quốc gia trong khu vực phải trở lại với than đá, “chạy đua” tìm kiếm các nguồn khí đốt mới, phát triển năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, khó khăn vẫn chưa dừng lại.
Người dân châu Âu đang phải đối mặt với giá năng lượng cao kỷ lục và khả năng bị cắt giảm hoặc mất điện trong mùa Đông này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, khu vực còn phải đối mặt với
những lo ngại về một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn vào năm tới.
Hiện tại, châu Âu đang nỗ lực hết mình tìm giải pháp thay thế năng lượng của Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang tiếp diễn. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang theo đuổi loạt các giải pháp thay thế, nhưng những giải pháp này vẫn có nhược điểm như tác động xấu đến môi trường hoặc có thể phải mất nhiều năm mới có thể đưa vào sử dụng.
Than đá – “cay đắng nhưng không thể thiếu”
Trong nỗ lực hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên, một số quốc gia châu Âu đang đốt nhiều than hơn trong mùa Đông này. Nhiên liệu hóa thạch này là nguồn năng lượng bẩn nhất, chiếm khoảng 40% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, than vẫn là nguồn có sẵn và có thể được sử dụng ngay lập tức trong các nhà máy điện.
Đức – quốc gia từng tuyên bố sẽ ngừng sử dụng than đá vào năm 2030 – đang quay lại dùng than đá. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck gọi động thái này là “cay đắng nhưng không thể thiếu” đối với mục tiêu của Berlin là chấm dứt toàn bộ việc nhập khẩu khí đốt của Nga vào giữa năm 2024.
Tương tự như vậy, Pháp đã mở lại một nhà máy điện than vừa đóng cửa, Hà Lan dỡ bỏ giới hạn sản xuất đối với điện than và nhiều quốc gia EU khác cũng đang chọn giải pháp này.
“Chạy đua” tìm kiếm các nguồn khí đốt mới
Gần 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu, khoảng 155 tỷ m³, đến từ Nga vào năm 2021. Để thay thế Nga, khu vực này đang rốt ráo tìm kiếm các nguồn khí đốt mới.
Năng lượng từ Biển Bắc đã lấp đầy một số khoảng trống. Năm nay, Na Uy vượt Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt qua đường ống lớn nhất cho châu Âu, sau khi tăng sản lượng lên 122 tỷ m³, tăng 8% so với năm 2021.
Tháng 10 vừa qua, Na Uy cũng mở một đường ống dẫn khí đốt mới đến Ba Lan. Song song với đó, Đan Mạch, Hà Lan và Vương quốc Anh cũng đang thúc đẩy sản xuất và “bật đèn xanh” cho các dự án khí đốt mới, mặc dù nhiều dự án trong số này sẽ mất nhiều năm để đi vào hoạt động.
Một hướng đi khác của châu Âu là tìm đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mỹ cam kết sẽ tăng xuất khẩu LNG sang EU từ 15 tỷ m³ trong năm 2022 lên 50 tỷ m³ vào năm 2030, tương đương khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt do Nga cung cấp trước đây.
Nhu cầu gia tăng cũng đã tạo ra một “cuộc chạy đua mua khí đốt” từ các quốc gia châu Phi như Ai Cập và Nigeria. Sản xuất khí đốt tại Đông Địa Trung Hải cũng đang được mở rộng.
Tuy nhiên, vấn đề tăng mua LNG cũng gặp những khó khăn. LNG được vận chuyển bằng đường biển, cần có các cảng nhập khẩu và đường ống phân phối mới. Việc xây dựng các cơ sở như vậy thường mất 2-3 năm.
“Gõ cửa” năng lượng hạt nhân
Vẫn chưa có sự đồng thuận về năng lượng hạt nhân giữa các nước EU. Pháp dẫn đầu khối 27 thành viên, hiện sử dụng năng lượng hạt nhân cho gần 70% nhu cầu điện. Ngược lại, tại Đức, quốc gia này đã lên kế hoạch đóng cửa các nhà máy cuối cùng trong năm nay.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã góp phần thay đổi vấn đề này. Đức đã hoãn đóng cửa 3 nhà máy hạt nhân còn lại. Một số quốc gia châu Âu khác như Phần Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển bắt đầu tăng công suất các nhà máy hạt nhân.
Nhưng tăng cường năng lượng hạt nhân một cách nghiêm túc sẽ là một thách thức. Hơn một nửa số lò phản ứng hạt nhân của Pháp hiện đang ngừng hoạt động do các vấn đề bảo trì, hạn chế khả năng xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, các lò phản ứng hạt nhân của Đức chỉ chiếm 6% điện năng, nhưng việc xây dựng thêm sẽ mất gần một thập niên và các công ty Nga hiện đang cung cấp phần lớn uranium cần thiết để vận hành những lò phản ứng này.
Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo
EU đã triển khai một kế hoạch năng lượng tái tạo đầy tham vọng, với hy vọng sẽ đạt được hai mục tiêu: Giảm lượng khí thải và loại bỏ nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga. Kế hoạch này được gọi là RePowerEU.
Theo kế hoạch, khối 27 thành viên mong muốn 45% năng lượng của khối đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2030, tăng từ 22% vào năm 2020. EU dự kiến đầu tư hơn 210 tỷ USD vào kế hoạch này năm 2027. Điều này sẽ được xây dựng dựa trên các kế hoạch trước đó để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, EU đã cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho hydro và khí metan sinh học. Đây là những lựa chọn thay thế sạch hơn cho khí đốt, đồng thời, tăng gấp đôi công suất năng lượng gió và mặt trời.
Các thành viên EU cũng đặt mục tiêu giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng chung thông qua các biện pháp tự nguyện, như giảm nhiệt trong các tòa nhà công cộng, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng các thiết bị gia dụng. Những người ủng hộ kế hoạch nói rằng, những biện pháp này được thực hiện cùng nhau có thể thay thế khoảng 2/3 năng lượng do Nga cung cấp trước đây.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng, mặc dù EU sẽ mở rộng đáng kể việc sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030, nhưng nó sẽ không đạt được mục tiêu RePowerEU do những thách thức trong việc tăng cường năng lực tái tạo. Mới đây, IEA và Ủy ban châu ÂU (EC) cũng cho rằng, dù châu Âu có đủ năng lượng năm nay, nhưng bước sang năm 2023 lại là câu chuyện khác.
Báo cáo mới nhất của IEA chỉ ra rằng, châu Âu có thể thiếu 27 tỷ m3 khí đốt tự nhiên năm 2023. Con số này tương đương 7% tiêu thụ của khối này hàng năm.
Cụ thể, trong bản đánh giá, IEA nhận thấy năm tới, nguồn cung cho châu Âu có thể thiếu hụt 57 tỷ m³. Khoảng 30 tỷ m³ có thể được bù đắp bằng các động thái hiện tại, gồm tăng cường tích trữ và tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt 15% giai đoạn tháng 8/2022 – tháng 3/2023.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định: “Tuy nhiên, việc này vẫn là chưa đủ. Cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc và năm tới có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm nay”.
Bảo Trâm (Theo Guardian)