Kho hàng lậu khủng tại Lào Cai: Thu tiền tỉ từ hàng nhái, hàng lậu
Nhiều sản phẩm thời trang, quần áo, giày dép… có dấu hiệu là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Adidas, Nike…
Đây là vụ kinh doanh hàng giả, hàng lậu online lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện. Ông Nguyễn Kỳ Minh – phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công thương) – khẳng định khi trao đổi với Tuổi Trẻ về kho hàng lậu khủng tại số 145 Hoàng Diệu (tổ 4, phường Lào Cai), bị các cơ quan chức năng “đột kích” ngày 7-7 vừa qua.
Hoạt động khép kín, chuyên nghiệp
Ngày 8-7, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, kho hàng lậu này được ngụy trang rất kỹ, nhìn từ bên ngoài vào không ai nghĩ bên trong kinh doanh hàng lậu online bởi toàn bộ xung quanh được dựng kín bằng tôn và treo những tấm biển quảng cáo không liên quan đến các sản phẩm buôn bán mà chỉ là lắp khung nhôm kính.
Bên trong kho hàng rộng khoảng 10.000m2 chứa hàng trăm nghìn mặt hàng gồm giày, dép, đồng hồ, túi xách… không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn nghi giả mạo nhãn hiệu của các hãng lớn như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci… Lực lượng QLTT vẫn đang phân loại, kiểm đếm số hàng lậu để tạm giữ.
Một người dân sống ngay sát kho hàng lậu này cho biết thời gian gần đây chỉ thấy có xe tải chuyển phát nhanh và xe tải chở hàng ra vào kho hàng này nhưng không biết vận chuyển, kinh doanh gì do không tiếp cận được kho hàng.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh (tổ trưởng tổ 4, phường Lào Cai), kho hàng của Công ty Thiên Lợi Hòa trước đây cho thuê sản xuất thuốc lá, đến năm 2018 cho anh Trần Thành Phú (28 tuổi, ở TP Lào Cai) thuê để làm kho hàng và buôn bán hàng online.
“Do họ hoạt động khép kín nên chúng tôi cũng chỉ biết có kho hàng và kinh doanh online chứ không nắm được quy mô như thế nào” – ông Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Thủy – phó chủ tịch UBND phường Lào Cai – cho biết khi đi kiểm tra khắc phục sạt lở ở gần kho hàng cách đây vài tháng, đoàn kiểm tra được chủ Công ty Thiên Lợi Hòa báo cáo bằng miệng rằng cho các em, các cháu thuê làm sản xuất và kinh doanh hàng hóa nhưng không nói rõ kinh doanh hàng hóa gì.
Chỉ đến chiều 7-7, sau khi nhận được điện thoại của Cơ quan QLTT đề nghị xuống kho để ký biên bản chứng kiến, ông Thủy mới biết là kho hàng kinh doanh hàng lậu.
“Nếu muốn đi kiểm tra, phường phải lập đoàn liên ngành đi kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng cơ quan quản lý ở phường cũng chưa phát hiện hay nghi vấn gì nên cũng chưa bao giờ tổ chức đi kiểm tra kho hàng này” – ông Thủy cho biết thêm.
Phát triển nhanh nhờ kinh doanh online
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kỳ Minh – phó chánh văn phòng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) – cho biết ngay từ cuối năm 2019, cơ quan này đã phát hiện đường dây lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm Luật sở hữu trí tuệ tại Lào Cai.
Tuy nhiên, để có thông tin đầy đủ, cơ quan chức năng rất vất vả vì đường dây này hoạt động 100% trên Internet, giao dịch nhanh thông qua livestream, giới thiệu trực tiếp. Hơn nữa, kho hàng có diện tích rất lớn được bảo vệ kỹ với rào chắn bên ngoài, cửa khóa then cài, có vọng gác canh và chó nghiệp vụ nên rất khó tiếp cận và tìm hiểu.
“Phải mất thời gian dài khi thu thập đủ thông tin, chúng tôi quyết định phối hợp cùng Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để đột kích kho hàng. Tính riêng lực lượng cơ động phải sử dụng hơn 70 cảnh sát cơ động để đột nhập, khống chế các đối tượng” – ông Minh nói.
Theo điều tra ban đầu, tổ chức kinh doanh online hàng lậu này bắt đầu hoạt động từ năm 2018 và phát triển rất nhanh nhờ các nền tảng công nghệ, không cần đặt các cửa hàng, phòng giao dịch mà chỉ cần kho hàng với chi phí thấp nhất. Với nhân công khoảng 60-70 người, riêng bộ phận chốt đơn hơn 40 người, phát livestream trên nền tảng mạng xã hội Facebook có tên Trần Thành Phú (Phú Nông Dân), Thảo Trần, Giày đồng giá…
“Kinh doanh, bố trí chuyên nghiệp, xây dựng mô hình như một công ty thu nhỏ với đầy đủ các bộ phận, chuyên nghiệp hóa từng khâu để làm sao nhanh nhất, chốt đơn và chuyển bán được hàng. Chủ yếu thông qua chuyển khoản ngân hàng và ship COD (giao hàng thu tiền hộ – PV). Số lượng doanh thu theo điều tra của chúng tôi, mỗi tháng mô hình này bán ra hơn 30.000 đơn hàng, trung bình mỗi tháng thu về hơn 10 tỉ đồng” – ông Minh nói.
Kho hàng được xác định do Trần Thành Phú (28 tuổi, ở TP Lào Cai) làm chủ. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra Phú không có mặt tại kho hàng và đến chiều 8-7, Phú chưa ra trình diện cơ quan chức năng.
“Qua kiểm tra, các nhân viên phụ trách chưa trình diện được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm này nên chúng tôi bắt buộc phải tạm giữ toàn bộ kho hàng” – ông Minh nói.
Ông Nguyễn Kỳ Minh (phó chánh văn phòng Tổng cục QLTT, Bộ Công thương): Doanh thu mỗi tháng khoảng… 10 tỉ đồng
Cơ quan chức năng vẫn đang phân loại, thống kê nên chưa có con số chính thức, song ước tính số lượng hàng hóa bày bán và chứa trữ trong kho phải lên đến hàng trăm ngàn.
Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng này bán ra thị trường trên 90.000 đơn vị sản phẩm mỗi tháng, phục vụ cho 30.000 đơn hàng, với doanh số bình quân khoảng 10 tỉ đồng mỗi tháng. Như vậy, đã có hàng triệu sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua.
Đây là đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hóa từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn và bán lẻ, trong đó có hình thức bán hàng thông qua việc livestream rất thịnh hành thời gian gần đây.
Vụ việc này gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn, đặc biệt với các mô hình thương mại điện tử. Thương mại điện tử không chỉ tập trung tại các thành phố lớn mà đã lan ra các địa phương, vụ việc ở Lào Cai là một điển hình.
NGỌC AN/TT