+
Aa
-
like
comment

Khó đạt được GDP 6,8%, tại sao Chính phủ không điều chỉnh mức tăng trưởng?

Thế Khoa - 10/06/2020 18:50

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ cho thấy, ngân sách có thể hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng; bội chi năm nay chắc chắn sẽ tăng lên không chỉ vì hụt thu mà còn vì những khoản chi ra lớn để chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, dư luận khá ngạc nhiên khi tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh tăng trưởng mà vẫn để con số 6,8%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tổ tại nghị trường Quốc hội.

Năm 2020 đã đi qua được nửa chặng đường, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang vật lộn việc chống dịch covid – 19, chưa mở cửa trở lại. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới nền kinh tế vốn có độ mở lớn như Việt Nam, chuỗi cung – cầu bị đứt gãy nhiều tháng qua. Con số 6,8% đặt trong bối cảnh này ai cũng thấy rõ ràng là cao mà như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá là “chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được”. Thế nhưng, như lời chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì “càng khó khăn, anh em càng đoàn kết cùng bảo nhau làm cho tốt và nhận được sự ủng hộ của người dân; gian lao bao nhiêu thì chúng ta cố gắng thêm bấy nhiêu. Đó không phải là áp lực mà là niềm vui phấn đấu”.

Đặt mục tiêu thấp thì các bộ, ngành sẽ không còn động lực để phấn đấu, vậy nên, thay vì điều chỉnh mục tiêu ban đầu đã đề ra để có báo cáo đẹp cuối năm, Chính phủ đã không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của cả bộ máy để phát triển kinh tế. Việc Chính phủ chấp nhận gác lại mục tiêu tăng trưởng qua một bên, tập trung ban hành và thực hiện những chính sách hỗ trợ nhằm cứu doanh nghiệp qua cơn bĩ cực. Doanh nghiệp sống sót và phục hồi, ắt sẽ có tăng trưởng.

Với vị thế là một quốc gia ổn định chính trị, đứng vững trước cơn bão dịch bệnh, Việt Nam có cơ hội tốt để đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây là câu chuyện lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Bởi như lời chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ thì “dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều”. Hàng núi công việc ngổn ngang trước mắt, phải chạy đua nước rút với thời gian để bù vào những ngày tháng do hậu quả của đại dịch bệnh để lại. Và để đạt được những kết quả tốt hơn trong những tháng còn lại trong năm, Chính phủ đã đưa ra các chính sách kích thích kinh tế. Như mới đây tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành lên phương án mở lại đường băng quốc tế để kích cầu du lịch; không những thế người đứng đầu Chính phủ còn đồng ý với các đề xuất cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke. Hay như việc Chính phủ chuẩn bị sẵn một bản dự thảo kế hoạch hành động thực hiện EVFTA, để khi Quốc hội phê chuẩn thì các bộ, ngành có thể bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ được phân công. Bản dự thảo kế hoạch hành động này tập trung vào những lĩnh vực còn hạn chế khi triển khai các hiệp định vừa qua như truyền thông cho doanh nghiệp hiểu về hiệp định này gồm những quy định như thế nào, hoàn thiện thể chế giúp doanh nghiệp phát triển ra sao…

GDP năm 2020 của Việt Nam được dự báo khó mà đạt kết quả như kế hoạch đề ra, gần như là điều tất nhiên phải thế vì dịch bệnh. Cũng vì con virus, mây đen tiếp tục phủ bóng toàn cầu và thậm chí còn tối tăm hơn trước, nhưng cho đến lúc này, Việt Nam vẫn được thế giới biết đến là nơi tỏa nắng. Với việc EVFTA được thông qua những kỳ vọng lợi ích từ thị trường 508 triệu dân đã gần hơn rất nhiều. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, hiệp định này đã tạo ra làn gió tươi mới, sẽ có thêm thị trường tiêu thụ giúp mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp Việt Nam làm ăn. Bên cạnh đó, nhờ việc kiểm soát hiệu quả đại dịch covid – 19 một cách hiệu quả, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như điểm đến phù hợp nhằm thay thế Trung Quốc sau cơn dịch bệnh.

Có thể thấy, câu chuyện đáng bàn lúc này không phải là con số GDP hay điều chỉnh GDP bao nhiêu mà là cách làm thế nào để thực thi nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế, chặn đà suy thoái do đại dịch gây ra. Thời điểm này cần tất bật để khôi phục sản xuất chứ không phải là kéo dài dịp nghỉ lễ 2/9 đến 5 ngày hay gửi văn bản xin 400 vé máy bay để kích cầu du lịch nội địa… Các bộ, ngành hiến kế phục hồi kinh tế nhưng phải nhìn vào thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của người dân, không phải chỉ chăm chăm vào mỗi thành tích. Cần đánh giá toàn diện tình hình để thấy rõ những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế, từ đó có những giải pháp căn cơ, nhưng không phải bằng mọi giá mà thay vào đó tăng trưởng phải đi đôi với ổn định vĩ mô. Chỉ khi cả hệ thống vào cuộc, chuyển động nhịp nhàng thì dù GDP không thể tăng 6,8% nhưng kết quả đạt được vẫn sẽ tốt hơn trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới dự báo tăng trưởng âm.

Thế Khoa 

Bài mới
Đọc nhiều