KhmerTimes: Việt Nam và câu chuyện thành công giữa khủng hoảng
Ngày 3/2, trang KhmerTimes đã có bài viết nói về kết quả Đại hội Đản XIII của Việt Nam, đồng thời đưa ra nhận định thời điểm hiện tại vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để Việt Nam bức phá, phát triển và có tiếng nói trong khu vực.
Theo KhmerTimes, bối cảnh toàn cầu và khu vực đang chứng kiến những diễn biến phức tạp. Những nghịch cảnh rộng lớn và đột ngột đang xuất hiện. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế phổ biến, thể hiện yêu cầu bức thiết của các quốc gia trong quá trình phát triển của mình. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột chủng tộc, tôn giáo, các hành động can thiệp, chiến tranh thương mại đang diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp và hình thức đa dạng.
Nhưng đây cũng vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam tận dụng cơ hội vượt qua nghịch cảnh, đi theo hướng riêng bức phá ra khỏi khu vực.
Với đường lối đối ngoại nhất quán, Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ XIII xác định mục tiêu trọng tâm là tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên, thúc đẩy toàn diện công cuộc đổi mới, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục giữ chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa.
Sau gần 35 năm của công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã ghi được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt.
Đời sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, cả về vật chất và tinh thần. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Tiếp tục xây dựng những thành tựu đáng ghi nhận sau hơn ba thập kỷ thực hiện đường lối Đổi mới và hướng tới một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, chủ quyền, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế theo phương châm: Việt Nam sẵn sàng trở thành bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.
Cùng với đó, chủ trương của Việt Nam là mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương, đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, hết sức coi trọng các nước láng giềng và khu vực, các cường quốc, trung tâm kinh tế, chính trị, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của Luật quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc. Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết một số khuôn khổ định hướng cho quan hệ hữu nghị và toàn diện trong thế kỷ 21 với các nước trong và ngoài khu vực. Các mối quan hệ song phương và đa phương này đã giúp ích rất nhiều cho việc duy trì môi trường quốc tế hòa bình và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi thế giới ngày càng toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiến với tốc độ cao, một nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước là chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế. Trong quá trình này, mục tiêu cao nhất trong chương trình nghị sự của Việt Nam là mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tận dụng vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam không ngừng nỗ lực tích cực, chủ động hội nhập kinh tế thế giới thông qua việc ký kết một số hiệp định thương mại đa phương quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) , Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Những thương vụ đó đã giúp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia về Châu Á – Thái Bình Dương của Đại học Charles, Cộng hòa Séc, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng trong công tác đối ngoại, đặc biệt là thiết lập các cơ chế hợp tác song phương và đa phương để kết nối với thế giới, góp phần tạo môi trường hòa bình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch và ổn định kinh tế. Được công nhận là hình mẫu của thế giới về các biện pháp kiểm soát đại dịch và tăng trưởng kinh tế hàng năm 2,91% vào năm 2020 bất kể đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và các đợt thiên tai và lũ lụt lớn. Như vậy, nó là một điểm sáng trong phát triển kinh tế khu vực của Châu Á.
Do đó, “mô hình Việt Nam” đã được truyền thông quốc tế đưa tin thường xuyên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố rằng năm 2020 là “năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua”. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Quan hệ song phương tiếp tục được nâng cấp và thiết lập giữa Việt Nam và các nước. Đó là lý do tại sao Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, cá nhân và bạn bè quốc tế đã gửi thư và điện mừng tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay khi ông tái đắc cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo KhmerTimes, trong những năm qua, bất chấp những diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới, quan hệ Campuchia – Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến dài, trở thành nhân tố quan trọng góp phần tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi nước. Lãnh đạo và nhân dân hai nước đang nỗ lực hết mình để vun đắp và làm sâu sắc hơn “mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, bền vững và lâu dài” giữa Campuchia và Việt Nam vì lợi ích của nhân dân hai nước. vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đưa Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao đời sống nhân dân, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Bảo Trâm (Lược dịch theo KhmerTimes)