+
Aa
-
like
comment

Khi Youtuber bẩn muốn làm “chính khách”

Phạm Khoa - 06/07/2023 13:00

Thông tin Phan Sơn Tùng, chủ kênh “Vì Việt Nam thịnh vượng” bị phạt 6 năm tù về tội “xuyên tạc, chống nhà nước” đã trở thành một cảnh báo nghiêm khắc đối với các Youtuber bẩn đang manh nha muốn làm “chính khách” rởm.

Phan Sơn Tùng bị phạt 6 năm tù với cáo buộc ‘xuyên tạc, chống nhà nước’

Phan Sơn Tùng (SN 1984, trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội). Ngay từ những năm 2011, Tùng đã viết và lan truyền nhiều thông tin bịa đặt, bôi nhọ chính quyền trên 3 kênh Youtube có tên “Vì Việt Nam thịnh vượng”, “Sơn Tùng TV”, “Phan Sơn Tùng”, và trang Facebook “Vì Việt Nam thịnh vượng”.

Theo cáo trạng, trong suốt gần 11 năm làm tin bẩn trên mạng xã hội, Tùng đã dùng tài khoản Facebook để đăng hơn 1.000 clip từ 3 kênh Youtube trên, với hơn 148 triệu lượt xem và 530.000 lượt theo dõi.

Nghiêm trọng nhất là 10 clip kêu gọi thành lập cái gọi là “Đảng Việt Nam thịnh vượng”, và lăng mạ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Cáo trạng đã công bố và phân tích rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Phan Sơn Tùng. Tùng cũng xác nhận những việc đã làm, nên mức án 6 năm tù giam là không oan sai.

Đối tượng Phan Sơn Tùng bị cơ quan chức năng đọc lệnh bắt giữ

Tuy vậy, có một chi tiết rất hài hước trong cáo trạng của Phan Sơn Tùng, chính là những dòng đề cập đến việc Tùng thuê làm 500 chiếc mũ có dòng chữ “Vì Việt Nam thịnh vượng” với giá 65.000 đồng, và rao bán lại trên các kênh của mình với giá 150.000 đồng.

Ngoài ra, 3 kênh Youtube do Phan Sơn Tùng quản lý đều bật chức năng kiếm tiền, và bị cáo đã nhận tổng cộng gần 80.000 USD (khoảng 1,8 tỷ đồng) cho đến khi bị bắt (ngày 09/09/2022),

Chi tiết rất nhỏ, nhưng ý nghĩa sau đó lại rất đáng bàn, nó phơi bày bản chất thật sự của những kẻ đội lốt dân chủ, mượn mạng xã hội để chống phá đất nước. Đó là cơn khát tiền bạc. Có tiền thì muốn những kẻ “đấu tranh” vì “dân chủ” này nói cái gì cũng được, kể cả xuyên tạc sự thật, bịa đặt, lăng mạ, vu khống lãnh đạo, và đất nước.

Nhân chuyện của Phan Sơn Tùng, nhìn lại vụ việc các luật sư tham gia vụ Thiền Am đang bị truy tìm cũng có điểm chung này. Khi một mặt vẫn lên mạng nói xấu chính quyền, mặt khác lại hăng hái livestream chửi nhau, và chửi mạnh thường quân chỉ vì mấy trăm đô – la ăn chia không đồng đều, hay một cái điện thoại secondhand trao nhầm đối tượng.

Có thể nói, sự phức tạp của mạng xã hội những năm gần đây là đáng báo động. Và các thế lực thù địch đang lợi dụng, để “thả câu”, cấp tiền cho nhiều youtuber bẩn chửi từ chính quyền đến nhà nước, từ lãnh đạo các bộ ngành đến nguyên thủ quốc gia, để tạo hiệu ứng giả, rồi hê lên rằng người dân đang bất bình. Đã đến lúc không chỉ cơ quan chức năng, mà ngay cả người dùng mạng xã hội cũng phải kiên quyết ra tay dọn rác thay vì nhắm mắt cho qua.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều