Khi xã hội được ‘quản tuyệt đối’
Những nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình dường như không đạt được kết quả vì xã hội đang được quản lý bằng nguyên lý thời chiến trong khi xã hội cần được quản trị một cách khoa học hơn.
Nguyên lý quản lý thời chiến và thời bình
Do tính khốc liệt của chiến tranh và nhu cầu cần huy động toàn bộ sức người, sức của cho cuộc chiến, xã hội thời chiến được quản lý theo nguyên lý “quản lý tất cả những gì có thể”, hay “quản lý tuyệt đối”.
Nhờ tính khốc liệt trong nguyên lý “quản lý tuyệt đối” mà chính quyền duy trì được kỷ luật sắt trong toàn xã hội, tập trung được toàn bộ sức người, sức của cho cuộc chiến. Những đội quân hùng mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh đều là những đội quân của những xã hội có kỷ luật thép và giành thắng lợi nhờ nguyên tắc quản lý tuyệt đối.
Đó là cách lý giải khoa học về sức mạnh của quân đội La Mã, quân đội Nguyên Mông, quân đội Đức, Nhật, quân đội Xô -viết trong chiến tranh Thế giới thứ 2 và quân đội Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tuy nhiên, nguyên lý quản lý trong thời bình phải khác đi vì xã hội tập trung làm ra của cải, xã hội đa chiều, quan hệ sản xuất rất đa dạng và phức tạp, lượng thông tin nhận được vô cùng lớn và rất nhiều cái mới chưa được hướng dẫn quản lý.
Năm 1988, khi Liên xô còn tồn tại, người ta tính rằng nếu sử dụng sức lực của toàn bộ xã hội thì Liên xô cần 17 năm để xử lý lượng thông tin mà xã hội Liên xô nhận được trong 1 năm. Đến nay, trong kỷ nguyên công nghệ số, với tất cả các nguồn lực sẵn có của toàn xã hội, chúng ta vẫn cần hàng chục năm để đánh giá và xử lý toàn bộ lượng thông tin nhận được trong 1 năm.
Vì vậy bộ máy hành chính thời chiến không đủ khả năng “quản lý tuyệt đối” xã hội để ra quyết định. Chính vì có sự chậm trễ trong cái dây chuyền “xử lý lập quy trình cho phép ra quyết định” đã tạo ra 2 xu hướng:
Thứ nhất, vì chưa có sự hướng dẫn của cấp trên cho nên hoặc là cấm đoán hoặc chờ đợi hướng dẫn, dẫn đến sự chậm trễ so với xu thế và bỏ mất cơ hội.
Thứ hai, nhiều quan chức thì lợi dụng lỗ hổng về chính sách để cho nhóm thân hữu được hưởng lợi, nhờ đó thu lợi bất chính.
Nguyên lý quản lý tuyệt đối tạo ra cơ chế “xin – cho”
Tính chất chủ quan trong việc “cho” hay “không cho” đã tạo ra nạn tham nhũng. Trong thời đại công nghệ thông tin: tốc độ xử lý thông tin ngày càng chậm so với lượng thông tin nhận được và lỗ hổng thiếu hụt các quy chế trong quy trình cho phép ngày càng lớn tạo cơ sở cho các quyết định mang tính chủ quan của cá nhân quan chức.
Chính cái quyền được sử dụng tính chủ quan đó đã tạo ra quyền lực để tham nhũng. Người dân buộc phải xin và người ra quyết định có quyền cho.
Để giảm thiểu việc xin cho, chính quyền đang nỗ lực quy trình hóa các thủ tục hành chính. Về lý thuyết nếu tất cả các thủ tục hành chính đều được quy trình hóa thì sẽ hết cơ chế xin cho. Tuy nhiên do cơ chế quản lý xã hội là quản lý tuyệt đối với số lượng các đối tượng cần được quản lý hay quy trình hóa tăng tỷ lệ thuận với lượng thông tin nhận được, tức là số lượng các thủ tục chưa được quy trình hóa không bao giờ kết thúc. Hay nói cách khác là cơ chế “xincho” sẽ trường tồn trong cơ chế quản lý tuyệt đối.
Bộ máy hành chính ngày càng phình to
So với thời chiến, xã hội ngày nay đã được mở ra rất nhiều, đất nước mở cửa với rất nhiều hoạt động được đưa ra khỏi phạm trù quản lý. Bên cạnh đó, chính quyền cũng nỗ lực trong việc giảm thiểu và quy trình hóa các thủ tục hành chính. Tuy nhiên nguyên lý “quản lý tuyệt đối” vẫn được sử dụng ở nhiều nơi.
Cái mới trong thời đại số hiện nay phát triển với tốc độ khủng khiếp. Nhu cầu kiểm tra và quản lý các mối quan hệ mới đó ngày càng lớn, buộc bộ máy hành chính phải lớn theo. Đây là nguyên nhân chính làm lực lượng cán bộ quản lý hành chính gia tăng nhanh chóng do nhu cầu “cần quản lý” ngày càng gia tăng.
Nói cách khác là số lượng người ăn lương nhà nước vẫn đang tăng và chi thường xuyên cũng gia tăng. Đã có nhiều dấu hiệu rất đáng lo ngại về ngân sách đầu tư công sụt giảm nghiêm trọng do chi thường xuyên quá lớn.
Một ví dụ rất điển hình là tỉnh Thanh Hoá với 3,5 triệu dân có gần 43 nghìn cán bộ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu có tới 500 triệu dân mà chỉ có 47 nghìn quan chức, viên chức chuyên trách. Sẽ là hài hước nếu chúng ta nói rằng tỉnh Thanh Hoá quản lý xã hội tốt hơn Liên minh châu Âu.
Muốn đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp thì thay đổi nguyên lý quản lý xã hội cần được giải quyết một cách căn cơ.
Xin nêu một ví dụ về một doanh nghiệp đầu tư tại Hà Nội: Sau 10 năm chạy thủ tục và giải phóng mặt bằng để xây dựng bệnh viện ung bướu tại Hà Nội, doanh nghiệp chợt nhận ra Thủ đô đã kịp xây khá nhiều bệnh viện ung bướu.
Vì thế, họ xin chuyển sang đầu tư cơ sở nuôi dưỡng người già và Viện dưỡng lão. Năm 2018, Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn doanh nghiệp phải đưa dự án vào Quy hoạch các cơ sở bảo trợ xã hội do Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt và được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa vào “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội năm 2016-2025”.
Tháng 5/2019, doanh nghiệp được lãnh đạo Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH hướng dẫn là “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội năm 2016-2025” chỉ liên quan đến các cơ sở có sẵn. Đáng tiếc là ở Sở LĐTBXH thì người ta lại hiểu là doanh nghiệp chỉ được xây dựng cơ sở nuôi dưỡng người già nếu nó nằm trong quy hoạch.
Vẫn vị lãnh đạo, giải thích Cục không có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp bằng văn bản vì Sở mới được phân cấp để trả lời. Mà câu trả lời tréo ngoe của Sở thì đã rõ từ trước.
Sở Quy hoạch & Kiến trúc cũng không đồng ý với quy mô đề xuất của doanh nghiệp phục vụ hơn 1000 đối tượng vì trong “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội năm 2016-2025” chỉ quy định quy mô 300-500 giường.
Trong khi đó Nghị định 103/2017NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ rõ quy mô là 10m2/đối tượng, nhưng đối với công chức thì “an toàn” là tiêu chí đầu tiên nên họ sẽ tham chiếu “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội năm 2016-2025” để tự bảo vệ.
Chỉ một văn bản mang tư duy kế hoạch hóa và quản lý cả “xu thế phát triển” đã làm cho doanh nghiệp đứng không được mà ngồi cũng không xong. Thử hỏi trong điều kiện bị điều chỉnh bởi hàng trăm văn bản thì doanh nghiệp làm cách gì để tồn tại?
Chế độ hai thủ trưởng
Câu chuyện trên chưa kết thúc, khi ông Bí thư quận ở địa phương, nơi có dự án, lại muốn doanh nghiệp chuyển nhượng dự án cho đơn vị liền kề. Cho nên mặc dù tất cả các sở ban ngành liên quan đều có ý kiến ủng hộ dự án, nhưng đã 6 tháng trôi qua mà quận vẫn không trả lời công văn của Sở KHĐT về dự án. Sự thật là một khi ông Bí thư các cấp không đồng ý thì chính quyền quận huyện cũng không dám cho ý kiến.
Không như thời chiến, hiện chế độ 2 thủ trưởng đang là sức cản ngăn chặn sự phát triển của xã hội.
Quản lý đòi hỏi quyền lực, trách nhiệm và kiểm soát quyền lực. Trong chế độ hai thủ trưởng quyền lực thực tế là của ông Bí thư chứ không phải của chính quyền nhưng ông Bí thư không chịu trách nhiệm trong hệ thống chính quyền mà chịu trách nhiệm trước Đảng.
Tư cách đảng viên được xác định bởi những tiêu chí định tính mà không mang tính định lượng. Chính vì các tiêu chí mang tính định tính nên có rất nhiều cán bộ nói rất hay nhưng làm thì cực dở mà vẫn thăng quan tiến chức.
Việc đánh giá cán bộ bằng các tiêu chí định tính rõ ràng là chưa đủ, mà cần phải bổ sung thêm các tiêu chí định lượng qua mức độ hoàn thành công việc, tư duy sáng tạo trong phát triển kinh tế địa phương v.v.
Số lượng các quận huyện lại quá lớn cho nên Ủy Ban Kiểm tra Trung ương không thể kiểm soát hết được. Để tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh hay lời nói không như việc làm nên nhất thể hóa chức Bí thư và Chủ tịch từ cấp huyện trở xuống và tăng cường dân chủ để nhân dân tham gia kiểm soát các hoạt động của cán bộ từ cấp huyện trở xuống.
Khoảng trống trong kiểm soát quyền lực đối với Bí thư các cấp, đặc biệt là cấp huyện trở xuống cần phải được loại bỏ. Hệ thống thông tin đại chúng hiện rất mạnh vì vậy chức năng tuyên truyền đường lối chính sách ở cấp quận huyện là không còn cần thiết. Do quyền lực không bị kiểm soát, trên thì xa chính quyền Trung ương, dưới thì dân không động đến được nên nhiều ông Bí thư quận huyện thoải mái chém.
Đơn cử ngay ở một quận tại HN ông Bí thư quận tuyên bố không đồng ý dự án do doanh nghiệp đề xuất xây dựng công viên bằng nguồn vốn xã hội hóa có hầm dành cho thanh niên khởi nghiệp, vì lo là sẽ có nhiều người tập trung ở công viên.
Trong cuộc họp Thường vụ quận, tất cả đều im lặng để nghe ông ấy “chém” về tấm lòng vì dân vì nước, nhưng nhiều người biết rõ rằng nguyên nhân chính là vì người nhà ông ấy đang sử dụng đất công viên làm bãi chứa vật liệu xây dựng.
Xây dựng chủ thuyết quản lý xã hội
Tất cả nhà nước tiên tiến hiện nay đều quản lý xã hội theo nguyên lý “quản lý mức độ” và chỉ tập trung trong một số lĩnh vực cần quản lý, vì số lượng các lĩnh vực cần quản lý ít hơn rất nhiều so với nguyên lý quản lý tuyệt đối. Đây là nền tảng khoa học quan trọng nhất trong quản lý xã hội.
Về bản chất, Nhà nước chỉ cần quan tâm đến một số lĩnh vực như: An ninh quốc phòng; Phát triển con người Việt về thể chất, tri thức và văn hóa; Thuế và chi tiêu ngân sách; Các lĩnh vực cấm là: cấm buôn bán ma tuý, vũ khí, phản bội Tổ quốc và trốn thuế; Về văn hóa cần đề cao giáo dục các lĩnh vực về đạo đức, lối sống lành mạnh cần được xã hội tôn vinh và vạch trần các hành vi phi đạo đức.
Xã hội cần phải được quản lý một cách khoa học. Ngân sách hạn chế buộc chúng ta phải từ bỏ nguyên lý quản lý tuyệt đối trong thời bình. Thực tế là đã có rất nhiều các dịch vụ được xã hội hóa, nhưng sức cản của nguyên lý quản lý tuyệt đối đang còn rất lớn. Cái quan trọng là chính quyền cần xác định các lĩnh vực phải quản lý còn tất cả các lĩnh vực khác cho xã hội hóa.
Đây là lúc cần phải xây dựng các chủ thuyết nền tảng cho xã hội về nguyên lý quản lý xã hội hiệu quả, chủ thuyết về phát triển kinh tế, chủ thuyết về an ninh quốc phòng làm nền tảng định hướng phát triển.
Tiến sỹ Phạm HT
(Theo Vietnamnet)