Khi người nhện trở nên xấu xa cũng là lúc nghệ thuật cần về đúng bản chất của nó

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó có các quy tắc ứng xử như: Đề cao chân – thiện – mỹ; không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi cá nhân; quảng cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác…

Ai đã từng xem tập đầu tiên của bộ phim Người nhện (Spiderman) nổi tiếng chắc vẫn còn nhớ câu nói của nhân vật chú Ben nhắn nhủ tới Peter Parker (người nhện): “With great power comes great responsibility!”, có nghĩa là “Sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng cao”. Câu nói này tuy vô tình nhưng lại đến đúng vào lúc Peter Parker mới khám phá ra siêu sức mạnh trong người mình, và đang băn khoăn trước việc phải gách vác trọng trách quá lớn của một siêu anh hùng cứu nhân độ thế. Chuyện xảy ra sau đó thì tất cả đã biết, Peter Parker phải chấp nhận một cuộc sống cô đơn, khó khăn, nguy hiểm hơn và không biết chia sẻ cùng ai ngay cả những lúc anh chán nản nhất. Từng có lúc anh căng thẳng đến mức muốn vứt bỏ vai trò của mình, nhưng rồi nhận ra anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều đứa trẻ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và anh quyết định quay trở lại.

Có một giả định mà nhà sản xuất phim chưa từng dám thử, đó là nếu Spiderman trở thành người xấu và mang siêu năng lực của mình phá hoại thế giới thì sao? Không cần tưởng tượng ta cũng biết hậu quả sẽ ghê gớm thế nào, bởi vì anh ta mang theo thứ sức mạnh không thể ngăn cản.

Những người làm nghệ thuật hay nghệ sỹ vốn không phải vận động viên nên không có sức mạnh thể chất, cũng chẳng phải lãnh tụ tôn giáo nên họ không có sức mạnh tâm linh, nhưng tài năng và khí chất của họ lại tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt tinh thần. Nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên tài năng luôn có tên trong mọi bảng xếp hạng những người ảnh hưởng nhất thế giới. Mỗi bài hát của các ca sỹ, ban nhạc ngày nay được nghe đi nghe lại hàng tỷ lần. Hình ảnh của họ xuất hiện mọi nơi, ảnh chụp và poster được hàng triệu fan hâm mộ sưu tầm như vật báu. Và mỗi lần họ cất lời thì hàng vạn người cùng hát theo, cứ nhìn những buổi diễn của các ban nhạc Hàn Quốc với hàng nghìn bạn trẻ gào khóc, hò hét và thậm chí quỳ lạy là thấy.

Trong những năm tháng chiến tranh của dân tộc thì văn hóa nghệ thuật cũng là một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn. Chiến tranh khốc liệt là thế, gian khổ là thế, chết chóc là thế mà hàng vạn chàng trai cô gái vẫn hăng hái lên đường theo nhịp điệu của những “tiếng hát át tiếng bom”, “chờ em trên cao lộng gió, rừng Trường Sơn ào ào lá đổ”… Có những bài hát hay khiến con người ta run rẩy, thôi thúc từ trong nội tâm để quên đi nhọc nhằn gian khó, ví dụ “tôi là người thợ lò”.

Thời nay, với sự phát triển của mạng xã hội và nhờ đó mọi người kết nối với nhau nhanh hơn, tiếng của những người nổi tiếng đến với khán giả của họ nhanh hơn thì sức ảnh hưởng của họ cũng càng rõ rệt. Một lời hô hào từ thiện của những ca sỹ, diễn viên nổi tiếng đồng nghĩa với hàng chục tỷ đồng đổ vào tài khoản. Vài phút quảng cáo của một người nổi tiếng có thể đổi lại hàng trăm triệu đồng cho cá nhân họ, và mang về hàng nghìn đơn hàng cho nhà sản xuất. Khi người nổi tiếng bị đồn ghét ai đó hoặc đang có tình cảm với ai đó thì lập tức người kia bị hàng ngàn người lạ mặt soi mói, xin kết bạn, thậm chí đe dọa, chửi rủa.

Nói một cách ngắn gọn là người nổi tiếng thông qua ảnh hưởng tinh thần của mình đã sở hữu sức mạnh của đám đông khán giả, nhưng khác với ảnh hưởng tinh thần trong lĩnh vực tôn giáo, sức mạnh từ cộng đồng những người hâm mộ có vẻ khó kiểm soát hơn nhiều.

Hay nói cách khác là khi cái sức mạnh khó kiểm soát kia gây ra những hậu quả xấu thì chính xã hội sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nhược điểm đầu tiên của sức mạnh là nó khiến người ta thèm khát. Có nhiều ca sỹ, diễn viên, người mẫu hiện nay muốn nhanh chóng trở nên nổi tiếng để giàu có và thành đạt, nhưng không muốn vất vả rèn luyện. Lựa chọn của họ là gì? Đó là chiêu trò! Nhiều người dùng ảnh nóng phát tán trên mạng xã hội, hoặc những câu phát ngôn gây sốc cộng đồng để mong chú ý. Người khác thì cố gắng tạo ra những scandal (vụ bê bối) thậm chí vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Và quái lạ thay, rất nhiều người đã thành công với chiêu trò đó, thậm chí trở thành biểu tượng nổi tiếng theo kiểu “nữ hoàng nội y” hay đại loại như vậy.

Có những người khi nổi tiếng rồi thì bắt đầu ảo tưởng về bản thân, tự cho mình đứng trên thiên hạ để rồi bắt đầu có những phát ngôn và hành động không thể chấp nhận. Họ chửi nhau trên báo chí công khai, bóc “phốt” đời tư của nhau, và khán giả của họ thì háo hức theo dõi hoặc tham gia, trong đó có nhiều bạn còn rất trẻ. Nhiều người tỏ ra coi thường khán giả, như một nam diễn viên kiêm MC nổi tiếng khi bị chê diễn hài nhảm từng bảo khán giả là “không thích coi thì tắt tivi đi”. Một ca sỹ khác thì lên mạng livestream chửi một tờ báo vì dám viết xấu anh ta, tuyên bố sẽ phải trả giá. Nguy hiểm nhất là một số người nổi tiếng còn thoái hóa, biến chất, trở thành những đối tượng phản động, chuyên chia sẻ những bài viết hay phát ngôn chống đối Nhà nước.

Câu chuyện lùm xùm về người nổi tiếng gần đây còn đề cập đến một khía cạnh khác. Nhiều MC, diễn viên, ca sỹ nổi tiếng vì tham tiền đã trắng trợn đóng phim quảng cáo cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thông tin không chính xác về công dụng nhưng lại bán giá cao, lấy đi tiền bạc của không biết bao nhiêu người. Khổ nhất là có những sản phẩm đông y được nhiều khán giả lớn tuổi do hạn chế hiểu biết mua về, vừa tốn tiền vừa có hại. Rồi chuyện nhiều người hô hào khán giả quyên góp tiền từ thiện nhưng khi được yêu cầu công khai thì tuyên bố không làm, cho rằng đó không phải việc của mình. Có người còn ảo tưởng đến mức phát ngôn theo kiểu nếu không có nghệ sỹ thì chẳng có ai lo cho bà con vùng lũ, xúc phạm đến danh dự của không biết bao nhiêu đoàn thể nhà nước và các lực lượng chức năng ngày đêm vất vả.

Thật may, những thứ sức mạnh siêu nhiên của Người nhện chỉ có trong phim ảnh và trí tưởng tượng. Trong xã hội văn minh, lợi ích của cộng đồng phải được ưu tiên, và bất kỳ một “sức mạnh” hay ảnh hưởng nào cũng đều phải được kiểm soát. Trong công cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố “Phải nhốt quyền lực trong cái lồng luật pháp” và đã tiếng vang mạnh mẽ, tác động đến toàn bộ hệ thống chính trị.

Sức ảnh hưởng của người nổi tiếng ở Việt Nam lâu nay đã bị buông lỏng quá lâu, và thực sự đã để lại quá nhiều hậu quả cho xã hội. Trong khi nhiều nghệ sỹ tốt, có tâm đã đóng góp sức lực và tầm ảnh hưởng của mình cho đất nước, thì một số người khác lại làm ra những việc không thể chấp nhận. Một cô MC nổi tiếng ở miền Nam, giữa lúc đại dịch bùng phát, đã lên mạng xã hội mỉa mai đòi đuổi đoàn y bác sỹ Hải Dương, vốn được chi viện cho công tác chống dịch của TP.HCM. Hậu quả là hàng ngàn người khác chưa hiểu sự việc nhưng đã hùa theo, gây ra bao cuộc cãi lộn từ trên mạng đến ngoài đời, công tác chống dịch của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng nói là sau một thời gian rất lâu thì cô này mới bị xử lý, vì không có chế tài.

Đọc Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mới ban hành, ta có thể thấy khá nhiều nội dung đề cập thẳng đến những “điểm nóng” thời gian quan. Cụ thể là với nghề nghiệp phải “lấy chân- thiện – mỹ làm mục tiêu”. Với đồng nghiệp phải ‘Chân thành hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ”. Với công chúng, khán giả phải “Ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật với công chúng, khán giả. Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức.”. Ứng xử trên không gian mạng, truyền thông thì không “gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt”, “Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm”, “đăng tải thông tin vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng…”

Ngoài ra còn một số quy tắc khác như “không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi cá nhân; tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng”. Nhìn chung, đây đều là những nội dung đúng và trúng, với kỳ vọng sẽ hạn chế triệt để những tác động có hại từ sự nổi tiếng của những nghệ sỹ lâu nay. Nhiều người có thể băn khoăn vì Bộ quy tắc này không đề cập đến chế tài xử lý, có vẻ chúng ta chưa thực sự mạnh tay xử lý những nghệ sỹ vi phạm như các nước láng giếng Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng đây là một bước tiến trước hết là về nhận thức xã hội, đánh động cho cộng đồng và bản thân các nghệ sỹ, buộc họ phải chấn chỉnh bản thân cho tốt hơn

Người thực hiện: An Diễm

Đồ họa: M.N