Những điểm cần chú ý trong Chiến dịch truy lùng F0 của Bí thư Nên
TP.HCM đang bước vào những ngày chống dịch khốc liệt nhất, có thể thấy thông qua con số phá vỡ kỷ lục của ngày 12-7 với hơn 1.700 ca mắc. Toàn thành phong tỏa, lệnh giới nghiêm được siết chặt, động thái quyết liệt này càng cho thấy rõ nét hơn về một cuộc chiến đang tổng lực trong 15 ngày áp chỉ thị 16 Chính phủ.
Trong không khí lắng động cứ ngỡ như bình yên nhưng TP.HCM đang chống dịch, từng đợt sóng ngầm hiện lên như thách thức, cuốn phăng tất cả. Số lượng ca nhiễm những ngày nay tăng đột biến, bên cạnh những nỗi lo thì điều duy nhất khiến người dân lạc quan trong lúc này chính là phát hiện càng nhiều ca mắc, truy càng nhiều F0 thì công cuộc chống dịch càng diễn ra nhanh chóng.
Cho đến thời điểm này, nhiều lãnh đạo và chuyên gia ý kiến cùng nêu quan điểm “TP.HCM đang chống dịch đúng hướng”. Trong hành trình chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 đang lan nhanh như hiện nay thì quá trình truy vết F0 là một bài toán sống còn, giúp ngăn chặn dịch bệnh. Sau chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Nên: “Mở chiến dịch cao điểm truy lùng F0”, đội ngũ y tế đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người – kỳ công và cũng lắm nỗi gian truân. Có những ngày, chỉ việc test nhanh cho từng người dân, ở từng ngõ hẽm, cán bộ y tế làm việc quần quật ngày cũng như đêm. Việc ăn, uống, ngủ, nghỉ và vệ sinh chỉ diễn ra chóng vánh trong 2, 3 giờ đồng hồ. Nhiều khu dân cư 12 giờ đêm vẫn bình thường, nhưng 5 giờ sáng đã ngỡ ngàng vì bị giăng dây, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đội ngũ y tế vẫn làm việc “hành quân” trong đêm khuya, truy vết F0 và thực hiện công tác chống dịch.
Có thể thấy, thời điểm này là khó khăn nhất với TP.HCM nhưng nếu nghĩ về những tâm dịch trước đó của cả nước, thì tinh thần lạc quan sẽ được tiếp sức. Chúng ta hẳn còn nhớ, thời khắc ngày 28-5, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước khi số ca mắc tăng vọt, lời một Bác sĩ từ trong chiến tuyến vọng ra “quân của anh gục hết rồi” đã lay động trái tim biết bao người. Đội ngũ bác sĩ chi viện – 215 thầy trò và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương khi về tâm dịch thôn Núi Hiểu, thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là lấy mẫu test nhanh từng hộ gia đình và công nhân đang cách ly tại thôn, dù hoạt động 200% công suất cũng không đáp ứng công tác chống dịch. Hình ảnh ấy khi được kết nối trực tuyến với điểm cầu Chính phủ, bao người nước mắt cứ trào. Nhưng rồi, những ngày vất vả, khốc liệt cũng qua, tâm dịch được kiểm soát và cuộc sống người dân hiện nay dần được bình ổn.
Từ những đợt dịch đã qua, những chuỗi lây nhiễm “sóng ngầm” mà thời gian qua được truy vết thành công, suy cho cùng, đều có chung đáp án: Chống dịch là trách nhiệm của mỗi cá nhân, bản thân và cộng đồng. Nhà nước có quyết liệt đến đâu, anh chị em ngành y tế có lăn xả đến đâu…mà mỗi chúng ta không có ý thức, không thực hiện 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” thì những thành quả đó cũng đổ sông, đổ biển. Nói theo câu nói nổi tiếng thì: “Việt Nam có toang hay không là phục thuộc vào ý thức trách nhiệm của người dân”.
Trong cuộc chiến chống dịch này, chưa một ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ ban hành khẩn gói 26 ngàn tỷ, TP.HCM cũng chi tiền ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho người dân nơi điểm dịch, vùng dịch. Điều đặc biệt trước khi đóng cửa các chợ đầu mối lớn, lãnh đạo đều trực tiếp đến thăm tiểu thương và động viên nghĩa tình. Bí thư Nguyễn Văn Nên đã nói với tiểu thương chợ Bình Điền: “Việc tạm dừng hoạt động của chợ là rất đáng tiếc, nhưng trong bối cảnh hiện nay, không có lựa chọn nào khác”. Có thể thấy, công tác an dân được lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm, chú trọng, điều cần làm và làm được, chính quyền đã nỗ lực, nghĩ cho dân, cho số đông và làm cho số đông.
Và, trong khoảnh khắc này, sự ủng hộ và đồng lòng của người dân là chiếc phao lớn nhất, quan trọng nhất để xử lý triệt để dịch bệnh.
Thái Thanh