3 tháng cuối năm: Sự cần thiết thay đổi lớn nhất là gì?
2020 và 2021 tuy chỉ cách nhau có một năm nhưng lại nảy sinh ra nhiều vấn đề mới, cấp bách, buộc chúng ta buộc phải có cái nhìn tổng quan nhất để thay đổi cho phù hợp. Và một trong những điều đó là tư duy về dịch bệnh.
Quay lại thời điểm năm 2020, Việt Nam đã có những thành công nhất định được cả thế giới công nhận. Ngay cả khi thế giới đang căng thẳng nhất thì số ca tử vong vì Covid-19 của Việt Nam vẫn chỉ ở mức hai con số. Chiến lược khoanh vùng, truy vết nhanh của Việt Nam đã được nhiều nước học hỏi. Chúng ta thời điểm đó đi lại hoạt động vẫn còn khá tự do, thỏa mái.
Mang theo tâm thế đó, chúng ta bước vào năm 2021- thời điểm Mỹ và Ấn Độ đang biến thành “địa ngục trần gian”. Và rồi sự an toàn tưởng như bền vững đã bị chấm dứt bởi lần bùng phát thứ tư. Ban đầu cũng chỉ là sự lo sợ nhất thời, bởi dư âm và sự thành công của năm 2020 vẫn còn quá lớn. Chúng ta tự hào và đầy tin tưởng về kinh nghiệm về cách phòng chống dịch. Nhưng với tốc độ sản sinh và tiến hóa của virus, những khó khăn yếu điểm đã bắt đầu bộc lộ. Phương pháp truy vết, khoanh vùng ban đầu còn có hiệu quả. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan khủng khiếp, dập ở đây thì lại bùng ở kia. Bởi vậy chúng ta mới chứng kiến, một cuộc rượt bắt không hồi kết.
Tuy khó khăn gấp nhiều lần so với những lần trước nhưng chúng ta đã huy động toàn lực chiến đấu. Thậm chí, mặc dù vẫn chưa phục hồi từ 3 đợt bùng phát trước nhưng lần này Chính phủ vẫn dốc toàn lực để chống dịch. Gần 100 nghìn tỷ được đưa ra để hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho người dân. Hàng nghìn tỷ được chi để tiếp cận nguồn vaccine nhiều nhất và sớm nhất. Hàng loạt chỉ đạo chính sách được đưa ra kịp thời với mục tiêu tính mạng người dân là quan trọng nhất. Và kết quả nhận được là, chỉ trong vòng 3 tháng mà chúng ta đã có thể phủ được 42 triệu liều vaccine trong cộng đồng, số ca nhiễm bệnh và lượng người tử vong cũng đã giảm mạnh. Có những vùng từ đỏ đã chuyển thành xanh một cách bền vững.
Chính vì điều đó, căn cứ vào nền tảng cơ bản của hệ thống y tế giữa nguồn vaccine và lượng vaccine đã phủ, Chính phủ đã đổi hướng từ “Zero Covod-19 sang sống chung an toàn với dịch”. Từng bước đệm đã được Chính phủ chuẩn bị từ trước như làm việc với các doanh nghiệp, làm việc trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh thành … Hàng loạt chính sách, nghị định mới cũng được đưa ra như việc đi lại của người dân hay hỗ trợ các doanh nghiệp tái sản xuất… Mục tiêu ngoài việc bảo vệ tính mạng, cuộc sống của người dân còn đưa họ về cuộc sống bình thường mới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát hiện một vấn đề. Đó là một số lãnh đạo địa phương vẫn còn giữ tư duy “Zero Covid-19”, do đó có những hành động, phương pháp chống dịch tiêu cực. Một số địa phương vẫn đang ở tình trạng chưa sẵn sàng “sống chung với dịch”, chưa chuẩn bị đầy đủ các biện pháp, kịch bản, thậm chí còn có tư duy đóng cửa, chờ an toàn. Đơn cử như trường hợp một số địa phương kiên quyết từ chối mở lại giao thương hoặc khai thác đường bay. Hay xuất hiện một số thông tin tiêu cực liên quan đến việc cho phép người dân từ vùng dịch trở về quê.
Mới đây, trong cuộc họp trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thể hiện sự đồng tình với Chính phủ về việc thay đổi tư duy chống dịch giai đoạn mới. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán này, rất cần sự mạnh tay hơn từ Chính phủ. Cắt bỏ hàng loạt các quy định cũ. Sự đồng lòng và quán triệt tư tưởng phải được thực thi nhất quán từ trên xuống dưới. Bộ máy chính quyền phải nắm rõ thực thi thì mới kêu gọi người dân đồng thuận được.
Thu An