+
Aa
-
like
comment

Khi Thụy Sĩ chủ động nói về “đối tác ưu tiên và quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á”

24/01/2024 08:16

Nhân dịp sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), trang tin điện tử bonpourlatete.com của Thụy Sỹ đã có bài viết đánh giá cao chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam và nỗ lực sản xuất chip “Make in Vietnam”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Viola Amherd.

“Đối tác kinh tế hàng đầu và quan trọng nhất của Thụy Sĩ”

Theo đó, nhà báo Guy Mettan chia sẻ rằng đầu những năm 2000, ông đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Việt Nam để nghiên cứu và chuẩn bị viết cuốn sách về Hiệp định Geneva, đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh Đông Dương năm 1954. Trải qua những lần đến Việt Nam, ông nhận thấy sự thay đổi kỳ diệu về diện mạo và tầm vóc của đất nước từ thời điểm đó đến ngày nay.

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh rằng năm 2023 là một năm đầy bận rộn và quan trọng đối với Việt Nam, với chính sách “ngoại giao cây tre” và mục tiêu trở thành trung tâm mới của ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam, khéo léo tirnh thủ mọi cơ hội từ tình hình quốc tế, đã tăng cường hoạt động đối ngoại và củng cố quan hệ đối tác. Ông Mettan nhận định rằng Việt Nam tỏ ra vững chắc và linh hoạt, giống như một cây tre mềm mại và dẻo dai, linh hoạt đối mặt với từng biến động của thế giới.

Trong năm qua, Việt Nam đã thực hiện một loạt các sự kiện ngoại giao quan trọng, bao gồm cả chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam. Ông cũng đề cập đến sự kiện lịch sử khi Tòa thánh Vatican lần đầu tiên có một Đại diện thường trú tại Việt Nam, là một bước quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican.

Theo tác giả bài viết, dự kiến Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6 – 6,5% trong năm 2024 nhờ vào hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất mạnh mẽ hơn. Quốc gia cũng đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm mới của ngành công nghiệp bán dẫn thông qua hàng loạt dự án đầu tư có quy mô hàng tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu tự chủ 100% các công đoạn sản xuất chip với chiến lược “Make in Vietnam” và dự kiến đào tạo 50.000 kỹ sư chuyên ngành vào năm 2030.

Ông Guy Mettan cũng đưa ra số liệu báo cáo rằng Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Hiện tại, Việt Nam chiếm hơn 10% tổng lượng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ và đứng ở vị trí thứ ba về xuất khẩu chip sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan.

Trong cuộc gặp sáng 17/1, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd đã đánh giá cao những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây, và cô nhấn mạnh Việt Nam là đối tác kinh tế hàng đầu và quan trọng nhất của Thụy Sĩ trong khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Thụy Sĩ cam kết tiếp tục hỗ trợ phát triển cho Việt Nam thông qua hơn 40 dự án đang triển khai trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững, giáo dục, doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Marcus Wallenberg, Chủ tịch Tập đoàn Skandinaviska Enskilda Banken (SEB).

Vai trò tích cực tại WEF

Hội nghị thường niên WEF, diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), đóng vai trò quan trọng nhất trong lịch trình hàng năm của WEF, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo cấp cao từ các quốc gia, đại diện của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới, chuyên gia và báo chí quốc tế. Nơi này trở thành diễn đàn quan trọng, nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả chính phủ và doanh nghiệp, thảo luận về những ý tưởng quan trọng, hình thành xu hướng hợp tác và đối mặt với những thách thức toàn cầu.

Việc hợp tác giữa Việt Nam và WEF bắt đầu từ năm 1989 và đã phát triển mạnh mẽ theo thời gian, tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trọng như tư vấn chính sách vĩ mô, giảm ô nhiễm nhựa, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham gia các Hội nghị thường niên của WEF. Tại đây, họ đóng góp ý kiến, triển khai kế hoạch hợp tác và thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Tháng 6/2023, Việt Nam và WEF ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giai đoạn 2023-2026, đánh dấu sự thắt chặt quan hệ và cam kết gia tăng hợp tác trong tương lai. Sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các hội nghị này không chỉ là cơ hội để đưa ra thông điệp về sự năng động và tích cực của quốc gia, mà còn là cơ hội để tăng cường mối quan hệ với Thụy Sĩ và thu hút đầu tư toàn cầu.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều