+
Aa
-
like
comment

Khi Thủ tướng nghiêm trị thói “hay làm mình làm mẩy” EVN

Thu An - 26/06/2020 09:07

Người dùng điện cả nước đang rất bức xúc về giá điện tháng 5 tăng quá bất thường. Rất nhiều ý kiến cho rằng, phải điều tra rõ nguyên nhân, không thể để tình trạng đổ lỗi cho nắng nóng rồi tăng gấp 30-40 lần như vậy!

Theo số liệu thống kê cho thấy, đã có tới hơn 3,1/26 triệu khách hàng tương đương 11,92% có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó. Không chỉ tăng cao ở mức bất thường mà điều đáng nói là liên tục xuất hiện những trường hợp ghi sai chỉ số côngtơ điện ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí có trường hợp tăng gấp 30 lần như ở Nghệ An. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi nếu không phải nhầm 30 lần mà chỉ 2,3 lần thì sao? Lúc ấy có phải lại đổ lỗi do nắng nóng? Tại sao nhầm nhiều thế, liên tục xuất hiện ở khắp các tỉnh? Có phải chăng từ trước đến giờ đều nhầm mà dân không để ý nay do quá nhiều người phản ánh thì mới phát hiện sự việc này? Mà tại sao chỉ thấy ghi nhầm tăng chứ không nhầm giảm? Rồi phần dôi dư ấy sẽ đi về đâu?

Lắng nghe ý kiến người dân, ngay lập tức Thủ tướng đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ vì sao giá điện lại tăng bất thường như thế, nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm… Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị, yêu cầu kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số côngtơ. Mặc dù, chưa có thể giải tỏa hết bức xúc của người dân của cả nước về việc tăng giá điện theo kiểu “đến hẹn lại lên” như thế, nhưng chí ít ta đã cảm thấy EVN đã biết “sợ” khi buộc trách nhiệm của giám đốc đơn vị vào sự việc ghi nhầm số điện này. Không thể đảm bảo rằng việc ghi nhầm sẽ không tái diễn nhưng chí ít tin rằng sẽ có những vị giám đốc sợ mất ghế mà phải kĩ lưỡng hơn, nghiêm túc hơn. Không còn cái kiểu xử lý “thí tốt” vài anh nhân viên ghi số côngtơ điện rồi rút sợi dây kinh nghiệm không bao giờ hết nữa.

Thực ra không phải là bây giờ Thủ tướng mới có những chỉ đạo cứng rắn để nghiêm trị ngành này. Còn nhớ một năm trước, đại biểu Quốc hội một phen sôi sục khi đọc báo cáo của Bộ trưởng Công Thương về công tác điều hành giá điện và họ đều thấy quá sức chịu đựng với sự “làm mình làm mẩy” không cho tăng giá thì sẽ cắt điện của ngành này. Không bao che, Thủ tướng gay gắt, “sao cứ đe dọa cắt điện dịp này, dịp khác? Bộ Công Thương, EVN, trách nhiệm để đâu mà tuyên bố như vậy?” và đồng thời ra thông điệp, “nếu như mất điện, một số người sẽ mất chức. “Anh” nào cắt điện, cách chức “anh” đó luôn”.

Sau rất nhiều chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, hiệu quả thấy ngay là tình hình cung ứng điện đã được cải thiện rất rõ. Kết quả cả năm 2019, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 11% so với năm 2018. Đầu năm 2020, không cần đợi Chính phủ nhắc, EVN tự nguyện giảm giá điện để góp phần chia sẻ khó khăn với người dân lúc dịch bệnh. Theo Bộ Công Thương, thực tế sau lần tăng giá điện gần đây nhất (tháng 3/2019) đến nay, giá bán lẻ điện trong nước chưa có bất cứ lần tăng giá nào. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4/2020, Thủ tướng đã chỉ đạo không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong cả năm 2020.

Điều quan trọng hơn cả, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương phải xử lý gấp, làm rõ trách nhiệm, minh bạch, giải quyết gấp các vấn đề của các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời. Đồng thời cho phép mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải. Thủ tướng nhấn mạnh, “bảo đảm giá điện cạnh tranh rất quan trọng và cái gì có lợi cho người dân, cho người sản xuất để thu hút đầu tư thì nên làm”. Có lẽ những chỉ đạo quyết liệt này được đưa ra để chấm dứt “bệnh làm mình làm mẩy” của EVN do độc quyền mà ra.

Thu An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều