+
Aa
-
like
comment

Khi Thủ tướng Liz Truss đối mặt với cơn giận dữ của nước Anh

Huy Hoàng - 17/10/2022 15:05

Từng mang đến hy vọng cho nước Anh với những lời hứa về tăng trưởng. Thế nhưng, với những chính sách tài khóa sai lầm đã làm thị trường tài chính Anh điên đảo chỉ mới trong 40 ngày tại vị. Niềm tin gửi gắm vào Thủ tướng Anh Liz Truss nay đã hoàn toàn sụp đổ…

Chính trường Anh nổi sóng khi Đảng Bảo thủ tìm cách buộc Thủ tướng Liz Truss từ chức.

Nếu tìm xem ai là người chịu thiệt hại nhiều nhất trong đợt biến động ở Anh vừa qua, thì không khó để thấy đó chính là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Anh cũng như các tổ chức nắm giữ đồng Bảng. Thiệt hại với họ là vô cùng lớn khi trái phiếu lẫn cổ phiếu đều bị bán tháo, đồng Bảng cũng bị bán tháo, làn sóng cắt lỗ và rút chạy khỏi thị trường quá bất ngờ đã gây đau đớn cho người đi lẫn người ở lại.

Và khi kịp định thần lại, các nhà đầu tư đã truy lùng xem đâu là nguyên nhân gây nên làn sóng bán tháo vừa qua. Và rất nhanh Thủ tướng Anh Liz Truss đã không tránh khỏi những phản ứng giận dữ từ thị trường.

Mọi chuyện bắt nguồn từ lời tuyên bố chính sách mới của Thủ tướng Anh vào tháng 9. Theo đó Chính phủ Anh cho biết sẽ cắt bỏ và giảm bớt một số loại thuế, bao gồm bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập cá nhân trên 150.000 bảng Anh (162.000 USD). Theo logic trong chính sách của bà Truss, thì việc giảm thuế sẽ khuyến khích những người nắm giữ tiền có động lực đầu tư vào sản xuất kinh doanh, từ đó giúp bà vực dậy nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, các quan chức Anh nhận định chính sách của bà Truss là quá mạo hiểm, thậm chí có phần điên rồ. Bởi vì Chỉnh phủ Truss đã không đề ra bất kỳ một giải pháp nào để đảm bảo những người nắm giữ tiền đó sẽ bỏ vốn đầu tư vào nền kinh tế. Trong khi nếu thực thi chính sách, thì những người thu nhập siêu cao hiện tại sẽ được giảm thuế ngay lập tức. Người giàu càng thêm giàu, trong khi tầng lớp thu nhập thấp vẫn tiếp tục chịu cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, chính điều đó khiến người dân Anh tức giận và cho rằng Thủ tướng Truss chỉ đang tìm kiếm lợi ích cho những người giàu có.

Thực chất, ban đầu đây chỉ là một chính sách tài khóa và tưởng chừng như không có liên quan đến thị trường tài chính. Tuy nhiên, rất nhanh các nhà đầu tư cũng đã nhìn ra vấn đề. Chính phủ Anh hiện đang trong tình trạng thâm hụt vãng lai cao, tức chi tiêu nhiều hơn số tiền thu về. Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm. Vì vậy nếu chính sách cắt giảm thuế có hiệu lực, chắc chắn sẽ khiến nước Anh gánh thêm nhiều khoản nợ. Nhưng câu hỏi là chính phủ Anh sẽ lấy tiền ở đâu ra để trả nợ cho các nhà đầu tư trái phiếu, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thì đang tăng lãi suất, hút tiền về để kiềm chế lạm phát? Tiền không bơm thêm, trong khi chính phủ thu không đủ chi, mà lại còn định cắt giảm việc thu thuế. Chính điều này đã làm các nhà đầu tư e ngại rằng Chính phủ Anh sẽ mất khả năng thanh toán, điều đó kích hoạt họ phải bán tháo các sản phẩm tài chính của Anh để bảo vệ vốn đầu tư.

Biểu tình rầm rộ ở Anh vì chi phí sinh hoạt tăng cao

Có thể thấy rằng dường như Thủ tướng Anh Liz Truss đã quá lạc quan về nền kinh tế Anh, khi tin rằng các chủ nợ (nhà đầu tư trái phiếu) sẽ ngó lơ tình trạng lạm phát cao kỷ lục, khủng hoảng năng lượng, suy thoái ở Anh và việc tăng lãi suất của BOE để tiếp tục cho’ Chính phủ Anh vay thêm tiền mà không tính đến rủi ro. Việc tuyên bố một chính sách giảm thuế trong hoàn cảnh hiện nay không khác gì chứng minh rằng chính phủ Anh đang xem các nhà đầu tư như những “con rối.

Những sai lầm trong chính sách tài khóa lẫn tiền tệ của bà Truss vừa qua đã làm cho các chính trị gia tin rằng Chính phủ Truss hoàn toàn không nắm được tình hình kinh tế nước Anh hiện tại. Điều đó càng chứng tỏ bà Liz Truss không đủ năng lực để dẫn dắt nước Anh đi đến tăng trưởng. Sự bất tín nhiệm với cá nhân bà Truss đang ngày càng cao, và những thiếu sót của bà đang ngày một bị phanh phui nhiều hơn.

Trong một buổi họp báo Thủ tướng Anh Liz Truss đã chính thức tuyên bố từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế cho các cá nhân có thu nhập cao. Dư luận Anh nhận định rằng đây là một cú “quay xe” đảo ngược chính sách nhanh nhất trong lịch sử và điều đó càng làm cho các Nghị sĩ Anh đủ bằng chứng chứng minh sự thiếu năng lực trong việc dẫn dắt đất nước của Chính phủ Anh hiện tại.

Ngoài ra việc công bố một chính sách giảm thuế mà không tính toán kỹ rủi ro cũng cho thấy sự vội vã không nên có ở một chính trị gia. Bình thường, mỗi khi chính phủ công bố kế hoạch ngân sách mới, sẽ có một cơ quan độc lập của chính phủ Anh được gọi là Văn phòng Trách nhiệm Ngân Sách (OBR) chất vấn kế hoạch này. Tuy nhiên, vì trên lý thuyết kế hoạch giảm thuế của Chính phủ Anh chỉ là “ngân sách ngắn hạn” (mini-budget) chứ không phải lâu dài, nên các thông tin đo lường rủi ro của OBR đã không được công bố. Và hậu quả là khiến thị trường thất vọng nhiều hơn hy vọng.

Những sai lầm đó đã làm niềm tin vào năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Liz Truss bị sụt giảm ở mức nghiêm trọng. Vai trò của bà Truzz cũng hiện đang bị lu mờ hơn bao giờ hết. Không chỉ bị phản ứng mạnh mẽ từ bên ngoài, mà ngay trong nội bộ Đảng Bảo Thủ Anh lúc này, các nghị sĩ đảng cũng đe dọa “sẽ lật đổ bà”.

Giờ đây đi hay ở lại đều là một thách thức cho cá nhân Thủ tướng Liz Truss, nếu ở lại, bà sẽ phải sớm tìm cách dập tắt cơn giận dữ của thị trường, một điều là gần như không thể khi mà các nhà đầu tư đã bị thiệt hại do một lượng lớn tiền đã bốc hơi khi thị trường tài chính Anh bị chao đảo những tuần qua. Lợi ích đã bị xâm phạm thì niềm tin không còn có thể cứu vãn. Nhìn từ góc độ này có thể hiểu được áp lực mà bà Truss đang phải đối mặt lớn đến như thế nào. Một giải pháp yên bình hơn và thậm chí có thể nhanh chóng dập tắt cơn giận dữ ở Anh đó là bà Truss chấp nhận ra đi, thế nhưng cách này cũng đồng nghĩa sinh mệnh chính trị của bà cũng coi như kết thúc.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều