+
Aa
-
like
comment

Khi Chính phủ đang cứu trợ dân nghèo thì những kẻ phá hoại ở đâu?

sông trà - 02/07/2021 17:56

Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Chính phủ, Bộ Chính trị…đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động mùa dịch, vừa nhằm giúp cho người lao động cũng như người sử dụng lao động yên tâm sản xuất, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, góp phần ổn định sản xuất, an sinh xã hội.

Luận điệu "giả mù" của Việt Nam Thời báo.
Luận điệu “giả mù” của Việt Nam Thời báo.

Khi thế lực thù địch “giả mù”

Mới đây, trên trang “Việt Nam thời báo” đã đăng bài viết “Nhà nước Việt Nam ở đâu trong việc cứu trợ dân nghèo trong đại dịch COVID-19?” của tài khoản có tên “Người Tân Định”. Theo đó, tài khoản này có ý trách chính quyền Việt Nam là dịch đang diễn biến phức tạp, nhưng không thấy động thái hỗ trợ, cứu trợ gì cho người dân.

Việc cứu trợ người dân trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt chiến tranh, dịch bệnh là nhiệm vụ chính của bất cứ một chính phủ. Từ khi nạn dịch COVID-19 bắt đầu tràn ngập thế giới, chính phủ nhiều nước đã có các gói cứu trợ đến người dân của họ. Tiền mặt được gửi đến từng người. Thực phẩm và các nhu yếu phẩm cũng được gửi đến ngay cửa những gia đình, người già, người nghèo có yêu cầu. Những người mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều người nhận được trợ cấp cao hơn thu nhập khi làm việc.

Theo tác giả bài viết, đợt tái phát dịch lần này, nhiều tỉnh, thành phố phải thi hành dãn cách xã hội, đóng cửa dịch vụ, tình trạng sống khó khăn của người dân chồng chất. Nhiều gia đình thiếu ăn. Mạng xã hội cho thấy có người chỉ sống qua ngày nhờ mì gói. Tình trạng thiếu ăn của nhiều hộ gia đình diễn ra đặc biệt tại các khu dân phố bị cách ly, phong tỏa. Tại những nơi dân chúng không được phép ra vào để mua thức ăn này không hề thấy một động tác cứu trợ thực phẩm từ phía chính quyền.

Thậm chí, bài viết còn lợi dụng công văn khuyến cáo một số cá nhân, tổ chức tổ chức hoạt động cứu trợ tự phát để trác móc rằng chính quyền địa phương “ngăn cản tổ chức phát quà tại tư gia hoặc các địa điểm công cộng khác dưới bất kỳ hình thức và muốn được cứu trợ thì phải liên hệ với mặt trận tổ quốc để được hướng dẫn.”

Đúng là, người dân Việt Nam, nhất là tầng lớp người lao động đang trải qua những tháng ngày gian nan. Gọi những tháng ngày này là “gian nan” là không hề trầm trọng hoá tình hình, đã có những người lao động không thể biết nổi ngày mai họ sẽ sống bằng gì. Gian nan vì đến nỗi nhiều người chủ lao động đã không thể tiếp tục “gồng lỗ”, đứng trước nguy cơ phá sản…

Trong bối cảnh đó, thực tế Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách mang tính thiết thực, và khi được đưa ra đã có sự nghiên cứu, tính toán một cách chính sách, tỉ mỉ. Thế mà, trong lúc Đảng, Nhà nước và người dân đang đồng lòng ứng phó, giúp đỡ nhau trong cơn đại dịch. Một số đối tượng chống đối, thiếu thiện chí lại lợi dụng thời khắc khó khăn này để tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, hạ thấp vai trò, uy tín của chính quyền.

Chính quyền của dân, do dân vì dân

Như đã nói ở trên, các thế lực thù địch đã tung tin sai trái, đơm đặt về công tác công hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Bằng những hình ảnh ngụy tạo, bằng những lời lẽ cay độc, họ vu cáo rằng Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và lực lượng vũ trang chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, chỉ lo cho bản thân, bỏ mặc người dân trong cơn khốn khó.

Thực tế thì sao?

Mới đây, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang rất phức tạp như lúc này là rất cần thiết.

Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo và rút kinh nghiệm từ đợt hỗ trợ trước. Đồng thời, cũng đã có chỉ đạo về việc nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta có chủ trương hỗ trợ với nhiều giải pháp để bảo đảm sản xuất kinh doanh, tinh thần vừa phải chống dịch thành công, vừa phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”

Cũng trong ngày 29/6 mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối 2021 và đầu 2022.

Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp, khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành.

“Các địa phương chủ động xây dựng các phương án duy trì sản xuất kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát; phối hợp chặt chẽ các bộ, cơ quan trung ương triển khai tiêm vắc-xin; xây dựng phương án và bố trí chỗ ở, thực hiện cách ly, giãn cách phù hợp cho chuyên gia, người lao động để bảo vệ, duy trì sản xuất, kinh doanh”, Nghị quyết nêu.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, dự thảo Nghị quyết hỗ trợ lần này sẽ bổ sung nội dung mới so với gói 62.000 tỷ đồng trước đây. Tổng kinh phí gói mới hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19 là hơn 26.000 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD).

Trước đó, để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp qua việc cho phép doanh nghiệp phải giảm 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.

Điều này cho thấy, những hành động kịp thời của những người đứng đầu đất nước; sự tham gia chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả của ban ngành, chính quyền các cấp cùng sự ủng hộ đồng lòng của nhân dân đã cho thấy sự gắn kết bền chặt nghĩa tình đồng bào ruột thịt trong khó khăn càng đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái làm sáng ngời tấm lòng Việt trong hoạn nạn.

Ấy thế mà, dã tâm của các thế lực chống phá là không bao giờ muốn đất nước được yên ổn. Chúng cũng không bao giờ muốn người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nên khi cả hệ thống chính trị có cố gắng thế nào, nỗ lực bao nhiêu đi nữa thì chúng cũng “giả mù” để cố tình xuyên tạc, nói cho được, cho có.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều