Khi sự hài lòng của người dân là thước đo
Một Quốc hội của dân, do dân và vì dân, minh bạch, công bằng, khách quan trong thảo luận lấy ý kiến; Một chính phủ liêm khiết, kiến tạo là chính phủ dám nhận lỗi; có như vậy mới lấy được niềm tin của doanh nghiệp và lòng tin của người dân. Trong thời gian vừa qua, nhiều cử tri ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện về kinh tế – xã hội của đất nước.
Cử tri lo lắng nhiều cán bộ xuống cấp, tham nhũng
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn, lo lắng như: Tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long… đó là những vấn đề mà cử tri bày tỏ quan điểm tại các buổi tiếp xúc cử tri và báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri, của tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM, ngày 3/111, chủ đề được rất nhiều cử tri TP HCM đặc biệt quan tâm chính là vấn đề cán bộ, lãnh đạo nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn được phanh phui, với các thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng đối với ngân sách quốc gia
“Tội tham nhũng cũng có khung án tử hình. Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, đã có một ủy viên Bộ Chính trị bị xử tù và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp bị bắt. Phải công nhận nhiệm kỳ vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện rất nghiêm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói chưa bao giờ có sự lơi là, dừng lại. Nhưng để kết tội một ai tham nhũng cần có sự cẩn trọng”. Đó là một nội dung chủ đề được rất nhiều cử tri TP HCM đặc biệt quan tâm.
Khi lựa chọn người đại diện cho mình, cử tri sẽ cân nhắc đức, tài của người đó. Đức là ở tâm huyết, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Tài ở tầm nhìn, khả năng nắm bắt thực tế, phương thức giải quyết các thách thức thực sự hiệu quả. Và cử tri là người quyết định. Lá phiếu của cử tri là trách nhiệm, là sự đắn đo, tín nhiệm lựa chọn người tiêu biểu nhất đại diện cho mình tham gia Quốc hội.
“Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng nhất định không nên bầu…” Lời căn dặn của Bác trước ngày tổng tuyển cử đầu tiên một ngày, ngày 5.1. 1946 trong buổi ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá, nay là trường Đại học Bách khoa vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.
Trong bầu cử, tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng là để tìm cho được những người tiêu biểu nhất, đại diện cho nhân dân tham gia vào Quốc hội… Những tiêu chuẩn ấy được quy định trong luật và ngưới cử phải đảm bảo những cũng khó có thể so sánh hơn kém với các tiêu chí định tính như: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
Cử tri thường trực tiếp hay gián tiếp tìm hiểu người ứng cử qua chương trình hành động khi tiếp xúc hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Vận động bầu cử không kéo dài, tập trung ngay sau Hội nghị hiệp thương lần 3 khoảng hơn hai tuần. Ngần ấy thời gian cho vận động bầu cử; cho những tương tác đầu tiên giữa người ứng cử và cử tri.
Điều thu hút cử tri là “Chương trình hành động”. Chương trình xây dựng trên sự am hiểu tình hình nơi mình ứng cử và vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đại diện cho dân; là những mục tiêu cụ thể đề ra, cách thức thực hiện, là lời hứa của người ứng cử vì lợi ích của nhân dân, của cử tri mà phấn đấu. Đây là dự định, khát vọng, tâm huyết của người ứng cử. Và cử tri lắng nghe, tiếp nhận, lựa chọn và giám sát thực hiện “Chương trình hành động”.
Lấy phiếu tín nhiệm và công khai trước cử tri và nhân dân cả
Việc Quốc hội hoàn tất việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian vừa qua đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả được công khai trước nhân dân và cử tri cả nước có sức thu hút rất lớn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng thực tế, thể hiện trách nhiệm của ĐBQH với cử tri cả nước. Những con số “biết nói”, là thước đo sự tín nhiệm của dân với từng “công bộc”.
Tự soi: là không thể không nghe về những gì người dân không hài lòng về quản lý giáo dục hiện nay. Tại sao vẫn loay hoay với đổi mới thi cử. Là từ mầm non, đến phổ thông mới là cái gốc cho sự học mỗi người, nhưng cái gốc chưa đặt đúng tầm chăng…? Tự soi: Là không thể ngó lơ với những bức xúc của người dân về các trạm thu phí BOT rất vô lý. Có hay chất lượng đường cao tốc vài chục nghìn tỷ đồng vừa làm xong đã bong tróc, ổ gà, ổ vịt… Tự soi: Là những vấn đề tồn tại trong đầu tư công, trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Là không thể thu hút FDI bằng mọi giá, không thể không có chọn lọc. Là các công trình đội vốn quá lớn, là chỉ định thầu… Nhìn thẳng, tự soi – rất cần sự dũng cảm và cả tư duy đổi mới từ chính từng “tư lệnh” bộ, ngành.
Lấy phiếu tín nhiệm và công khai trước cử tri và nhân dân cả nước là cần thiết. Và những ô phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp đã nói tiếng nói của người dân và cử tri cả nước. Mừng là ngay cả những người đạt kết quả không cao cũng thể hiện rõ tinh thần cầu thị như lời Bộ trưởng GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ: “Kết quả lấy phiếu lần này là động lực để tôi phấn đấu làm tốt hơn công việc của mình”. Suy cho cùng, chuyển động thực tế sau lấy phiếu mới là điều cử tri chờ đợi!
Mỗi cử tri có trách nhiệm lớn với là phiếu của mình và niềm tin gửi nơi người mình tin tưởng, hy vọng. Đấy chính là sự lựa chọn quyết định xây dựng bộ máy nhà nước thông qua cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946 đã khuyên nhủ: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với tổ quốc.”
Trước khi nói đến yếu tố “đạo đức của người cán bộ”, có lẽ đã đến lúc cần phải tuyển dụng kết hợp với đánh giá mới có được đội ngũ cán bộ tận tụy phục vụ nhân dân, biết lo lắng, trăn trở với thời cuộc. Có như vậy mới loại bỏ được những “nhân tố” vô cảm, loại bỏ được tiêu cực, gửi gắm, chấm dứt tình trạng công chức tầm gửi, năng lực hạn chế trong bộ máy nhà nước chỉ biết vun vén cho gia đình, bản thân. Lúc đó thước đo của lòng dân mới là giá trị cốt lõi của đạo đức cán bộ.
Đinh Lực