Khi Quốc hội “ra tay” khai tử dịch vụ đòi nợ thuê
Chiều 17.6, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê gây tranh cãi trong thời gian qua.
Chẳng phải vô cớ mà 436/456 ĐBQH tham gia biểu quyết bấm nút đồng ý “khai tử” loại hình kinh doanh này. Bởi theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “cả nước hiện có gần 220 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, chủ yếu ở Hà Nội và TP. HCM nhưng không có đơn vị nào hoạt động lành mạnh. Đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những thứ chúng ta phải bỏ ra để khắc phục trấn an”. Còn như lời chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Đăng Nam – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM cho biết phần lớn các công ty thu hồi nợ ở thành phố đều hoạt động sai quy định: “99% đều không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của việc thu hồi nợ. Đăng ký nhân viên đi thu hồi nợ đều có học vấn, trình độ, công ăn việc làm nhưng khi sử dụng những đối tượng đi đòi nợ thì không có trong danh sách nhân viên công ty mà toàn người xâm trổ, tiền án tiền sự đến gây sức ép”.
Thực tế cho thấy, hoạt động đòi nợ thuê đang bị biến tướng, lợi dụng để thành lập các băng nhóm đòi nợ thuê mang tính chất xã hội đen gây phức tạp về an ninh trật tự. Để đòi tiền, các tổ chức kinh doanh này không từ thủ đoạn: từ khủng bố tinh thần con nợ cũng như người nhà, thậm chí người quen, bạn bè của con nợ cũng bị gọi điện thoại ngày đêm kèm những lời đe nẹt, chửi bới. Có gia đình còn bị ném chất bẩn vào nhà, gây tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng làm cho con nợ sống dở chết dở. Có con nợ chưa có tiền để trả nhưng vẫn dồn ép đến đường cùng buộc con nợ phải phạm tội để có tiền trả nợ, hoặc chấp nhận bị đánh đập, có trường hợp không chịu nổi phải tìm đến cái chết. Như trường hợp ông chủ quán phở Hòa tại TP.HCM nhiều lần trình báo công an nhờ can thiệp vì quán liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, nhớt, khủng bố tinh thần bắt ông phải trả nợ thay cho em rể. Hay như một gia đình tại Nam Định vào đêm 30 Tết bị một nhóm đòi nợ thuê đã vào tận sân nhà con nợ đốt lửa, uống rượu, nôn mửa, hò hét, gây sức ép buộc con nợ phải trả tiền. Trước đó nhiều tháng, những hành động này đã lặp đi lặp lại khiến con nợ đã nhiều lần trình báo cơ quan công an.
Có thể thấy, việc Quốc hội thông qua quy định cấm dịch vụ đòi nợ thuê là một quyết định đúng và rất phù hợp với ý nguyện đại đa số người dân. Cấm dịch vụ này sẽ thiết thực giúp chấm dứt nạn xã hội đen, làm loạn xã hội để kiếm tiền bất chính.
Tuy nhiên, đúng như nhiều ý kiến phân tích, không chỉ đơn giản cấm là có thể giải quyết được những tồn tại, bất cập của hoạt động đòi nợ này. Mặc dù hệ thống chính trị và pháp lý của nước ta đã có đầy đủ chế tài để giải quyết việc vay nợ dân sự. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận một điều rằng khi người dân đòi nợ thông qua việc kiện ra tòa thì thủ tục lại rất phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm. Thậm chí đến khi tòa xử xong, chủ nợ cầm bản án trong tay thì cũng không thu được nợ vì con nợ đã tẩu tán tài sản, thay đổi chỗ ở. Có thể thấy niềm tin của người dân về việc khởi kiện và thu hồi nợ thông qua tòa án là rất thấp. Điều này khiến họ tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê dù đôi khi chấp nhận phải chi trả đến 50% khoản nợ được thu hồi.
Xã hội phát sinh nhu cầu đòi nợ thuê, có cầu ắt có cung, khi luật cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì vẫn sẽ xuất hiện hoạt động lén lút, trá hình, dịch vụ chui. Vậy nên, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một việc cần thiết để tránh những biến tướng. Nhưng để tránh những biến tướng tiếp theo từ việc cấm này, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý các băng nhóm xã hội đen hoạt động đòi nợ thuê bất hợp pháp. Bởi khi nào hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen còn tồn tại, thì khi đó các chủ nợ thường ưu tiên lựa chọn dịch vụ này hơn là chọn cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tòa án. Bên cạnh đó, cần cải cách tư pháp, cắt giảm giảm thủ tục hành chính, tránh những rườm rà không cần thiết, nâng cao hiệu quả xử lý để người dân tin tưởng và tranh chấp công bằng trước pháp luật.
Thế Khoa