+
Aa
-
like
comment

Khi quốc gia hùng mạnh nhất thế giới gánh nợ công chưa có tiền lệ

Diệu Hương - 10/10/2022 14:35

Ngày càng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng nợ công. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ công của các quốc gia phát triển đang tăng nhanh. Trong đó có Mỹ, nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Millbrae, California, Mỹ, ngày 13-7-2022.

Bộ Tài chính Mỹ thông tin, tính tới ngày 3/10 (giờ địa phương), nợ công của nước này đã chính thức vượt mức 31.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Nợ công quốc gia Mỹ dừng ở mức 19.940 tỷ USD khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào năm 2017. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, khoản nợ tăng lên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) in thêm tiền để đối phó với đại dịch Covid-19.

Phần lớn nợ công của chính phủ Mỹ do công chúng nắm giữ, với khoảng 24.000 tỷ USD. Công chúng ở đây là bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức không phải là cơ quan thuộc Chính phủ Liên bang Mỹ. Trong khi đó, khoản nợ các chính phủ nước ngoài lên tới gần 7.000 tỷ USD.

Đây là một thông tin xấu đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn đã mong manh khi đang phải đương đầu với lạm phát phi mã, mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực giảm nợ công trong năm nay.

GDP của Mỹ hiện nay đạt khoảng 22,9 nghìn tỷ USD, chiếm 25% GDP của cả thế giới. Từ trước đến nay, Mỹ được coi là quốc gia an toàn nhất cho cơ hội đầu tư vốn, vì mức độ rủi ro thấp nhất. Vậy vì sao một quốc gia có tiềm lực kinh tế và quốc phòng lớn nhất thế giới lại lâm vào tình trạng này? Có thể nêu những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, nguồn thu từ thuế thấp. Mỹ là nước có mức thuế thấp nhất so với các nước phát triển và được coi là “thiên đường của các doanh nghiệp”. Mức thuế huy động so với tổng GDP ở Mỹ chỉ bằng khoảng ¾ so với các nước phát triển khác. Xu thế chung của Mỹ là tiếp tục không đánh thuế cao và sẵn sàng đi vay để bù đắp thâm hụt ngân sách, vì vậy, thâm hụt ngân sách luôn là vấn đề thường trực của Chính phủ Mỹ.

Bảng điện ghi nợ công Mỹ ở thành phố New York

Thứ hai, chi tiêu công gia tăng. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu 1.512 tỷ USD, cấp kinh phí cho chính phủ liên bang và chi tiêu quân sự trong năm tài chính 2022. Theo đó, chi tiêu mới có thể chia thành hai nhóm chính: 782 tỷ USD cho quốc phòng và 730 tỷ USD cho các hoạt động không liên quan đến quốc phòng. Trong đó, khoản chi quốc phòng tăng 46 tỷ USD (tương đương 5,6%) so với năm tài khóa 2021.

Gói chi tiêu cho các hoạt động phi quốc phòng cũng tăng 42 tỷ USD (tương đương 6,7%) so với năm 2021 – là mức tăng lớn nhất trong 4 năm. Những khoản chi nổi bật gồm: Chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, phát triển nông thôn, cải thiện các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; viện trợ cho Ukraine… Đáng chú ý, để tăng khả năng ứng phó đại dịch Covid-19, gói cũng dành 745 triệu USD cho cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến, 845 triệu USD cho kho dự trữ quốc gia chiến lược.

Thứ ba, môi trường quốc tế thuận lợi cho việc vay nợ. Sự thuận lợi của Mỹ trong việc vay nợ nước ngoài là do nhu cầu trái phiếu chính phủ Mỹ gia tăng và các nước đều sẵn sàng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Cùng với đó là lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang có xu hướng giảm nên áp lực về vấn đề trả lãi vay của Mỹ không quá lớn.

Bên cạnh sự “rẻ hơn” của lãi suất đi vay, một nhân tố quan trọng khác đóng góp vào sự “thuận lợi” cho việc đi vay là giá trị của đồng đô la Mỹ giảm so với tất cả các đồng tiền mạnh trên thế giới. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu cũng khiến cho dòng vốn đổ về thị trường trái phiếu Mỹ tăng mạnh, góp phần làm nâng tỷ trọng nợ nước ngoài của Mỹ.

Với tổng số nợ công lên tới xấp xỉ 100% GDP, nếu Mỹ “vỡ nợ”, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả thế giới đang là chủ nợ của Mỹ. Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất với tổng số nợ lên tới hàng nghìn tỷ USD. Khi đi vay lẫn nhau, hoặc vay ngân hàng, các nước đều dùng giấy nợ của Mỹ làm vật thế chấp. Nếu giấy nợ của Mỹ bị mất giá trị thì đồng USD cũng sẽ sụp đổ, dòng tiền tệ thế giới sẽ bị ngưng trệ hoặc tê liệt.

Tuy nhiên, hiện nay các giải pháp giảm nợ công của Chính phủ Mỹ chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề trước mắt để tránh nguy cơ vỡ nợ và Mỹ vẫn còn thiếu các giải pháp lâu dài để đưa nợ công trở về mức nợ bền vững.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều