+
Aa
-
like
comment

Khi “quà tết” trị giá 3 triệu USD thành cái bẫy!

Hồng ĐInh - 23/12/2019 17:48

Ngày 16/12, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm 14 bị cáo vụ “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone. Theo khai nhận của bị cáo Lê Nam Trà, sau khi hoàn thành việc chuyển 95% cổ phần AVG cho MobiFone, bị cáo Phạm Nhật Vũ gửi biếu ông 2 triệu USD.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son trước toà

Khai báo trước tòa về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Trương Minh Tuấn nói trước, trong và sau khi ký quyết định triển khai dự án không có gợi ý gì với bị cáo Phạm Nhật Vũ. “Tận đến Tết 2016, sau đại hội, bị cáo Phạm Nhật Vũ có đến phòng làm việc của tôi, tặng lẵng hoa chúc mừng và có món quà chúc mừng tôi trúng cử. Khi Phạm Nhật Vũ về, chiều tôi mở gói quà ra mới thấy có phong bì 200.000 USD”, bị cáo Tuấn khai.

“Khi nhận 200.000 USD của Phạm Nhật Vũ, bị cáo hiểu đó là tiền gì?”, trả lời câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Tuấn nói: “Ban đầu tôi nghĩ là quà chúc mừng của bị cáo Vũ. Nhưng sau này tôi nhận thức ra, nếu tôi không ký Quyết định 236 thì chưa chắc bị cáo Phạm Nhật Vũ có quà như vậy. Tôi đã nhận thức điều này và đã khai báo với CQĐT, viện kiểm sát. Tôi đã ý thức nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính này”.

Bị cáo Lê Nam Trà cũng thừa nhận cáo trạng Viện KSND truy tố bị cáo nhận 2,5 triệu USD là đúng. Theo bị cáo này, một lần vào dịp tết, được bị cáo Vũ biếu 500.000 USD tại phòng làm việc. “Sau tết hơn 1 tháng, ông Phạm Nhật Vũ gọi điện nói muốn đến nhà vì có chút hoa quả ngon biếu. Sau đó, có người đến nhà bê 2 thùng carton. Đến tối khuya tôi mở túi đồ ra thì thấy có tiền trong đó. Hôm sau tôi gọi cho Vũ nói sao nhiều thế, Vũ cười nói em biếu anh”, bị cáo Trà khai, đồng thời cho biết số tiền trong 2 thùng carton là 2 triệu USD.

Bị cáo Trà cũng khai dù không gợi ý hay đòi hỏi bị cáo Phạm Nhật Vũ chi tiền nhưng nhận thức rõ khoản tiền này là không đúng quy định pháp luật và lấy làm tiếc vì “không cương quyết trả lại”. Sau khi bị khởi tố, được điều tra viên giải thích có thể bị truy tố khung cao nên bị cáo đã chủ động hoàn trả lại khoản tiền này.

Về việc chi tiêu những khoản nhận hối lộ, bị cáo Trà khai, sau khi nhận tiền đã cất giữ tại nhà và đưa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son 500.000 USD; mục đích “báo cáo về công việc”. “Khi đó là dịp tết, tôi đến biếu quà và cũng gặp để báo cáo những việc đã làm. Tôi có nói anh Vũ đến biếu quà và không nói gì thêm, cũng không nói Vũ đưa bao nhiêu tiền”, bị cáo Trà nói và cho rằng “còn biếu thêm” bị cáo Son 200.000 USD trong dịp khác, tổng số là 700.000 USD. Trong khi đó, bị cáo Cao Duy Hải cũng khai nhận, trong khoản 500.000 USD nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ, đã mang biếu bị cáo Nguyễn Bắc Son 200.000 USD.

Toàn cảnh phiên tòa

Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận, chi cho lãnh đạo PVN từ 30 -40 tỷ đồng thông qua Ninh Văn Quỳnh – Nguyên kế toán trưởng PVN. Với chức vụ của mình, mỗi năm bị cáo chi cho hoạt động đối ngoại tháp tùng các đoàn công tác lãnh đạo cao cấp (trong nước và nước ngoài), không nhớ con số cụ thể. Chi cảm ơn Liên doanh VietsoPetro (Vũng Tàu) và Tổng Giám đốc Công ty (Pvoil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; có lần 300 – 400 triệu đồng, có lần 100 đến 200 triệu đồng. Chuyển Giám đốc đốc OceanBank Vũng Tàu 500 triệu đồng; Giám đốc đốc OceanBank chi nhánh Sài Gòn 600 triệu đồng để “quan hệ giao lưu khách hàng”.

Mỗi dịp lễ, tết, PVN phải chi khoảng 30 đến 50 tỷ đồng. Việc chi tiền chia ra nhóm từ cấp lớn đến cấp bé. Các chuyên viên, bộ, ngành có quan hệ với PVN: Mỗi người 01 phong bì từ 5-10 triệu đồng (số lượng rất đông). Lãnh đạo bộ, ngành (từ vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng). Tùy từng chức vụ, chi từ 50 đến 200 triệu đồng… Không thể liệt kê hết vì “đạo lý dân tộc”.

Những lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Hội đồng xét xử và các cơ quan liên quan sẽ còn phải xem xét, điều tra, xác minh thêm nhưng ít nhiều nó cũng đã phản ánh một thực tế mà lâu nay dư luận và người dân bất bình, hoài nghi.

Cần làm gì để cán bộ dũng cảm từ chối những món quà biếu

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Chính phủ cho thấy, năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Các trường hợp này ở Trà Vinh (1 người, 3 triệu đồng) và Thái Bình (2 người, 100 triệu đồng).

Việc tặng quà không còn đơn thuần là tình cảm mà đã bị lạm dụng, biến tướng, trở thành một phương thức che đậy việc hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu hay vì những mục đích chính trị khác. Đấu tranh với các biến tướng này không phải là công việc một sớm một chiều. Để đạt được hiệu quả, ngoài việc các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị định của Chính phủ về việc tặng quà, nhận quà tặng thì tai mắt giám sát của người dân cũng rất quan trọng.

Nhưng trị được không? Cho dù Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành đã 13 năm, Quyết định 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức cũng đã ban hành 12 năm nhưng chưa được thực thi nghiêm minh, tinh thần chống tiêu cực qua biếu xén yếu ớt và còn hình thức thì mọi thứ không thể có chuyển biến.

Thời gian gần đây, Ban Bí thư đều ban hành chỉ thị quán triệt các địa phương không chúc Tết Trung ương, nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới với mọi hình thức… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ rõ quyết tâm trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà bằng việc ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019.

Quà tặng không đúng quy định thì cán bộ phải từ chối, không từ chối được phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Chủ tịch, bí thư các địa phương không phải lên trung ương biếu xén, làm tốn kém ngân sách. Chúng ta đang chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở. Thế nên, ngay từ việc này bây giờ thì mới chuyển biến được”.

Người dân kỳ vọng việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo về “cấm chúc Tết” sẽ được thực hiện một cách tự giác, thường xuyên hơn trong mỗi dịp lễ, Tết. Nhưng cũng không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn nếu đã có động cơ, mục đích vụ lợi, người ta có thể “lách” lệnh bằng cách biếu quà dịp khác thay vì biếu Tết.

Do đó, vấn đề quan trọng là phải có những giải pháp căn cơ, cụ thể và quyết liệt hơn để giải quyết là tình trạng tham nhũng “vặt” đang trở thành thông lệ, “tập quán” trong xã hội kinh tế – thị trường hiện nay. Bởi nếu không giải quyết được gốc rễ vấn đề từ “nhỏ” thì rất có thể tham nhũng lớn sẽ xảy ra và hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.

Chừng nào vẫn còn cơ chế xin – cho, còn “lợi ích nhóm”, tâm lý chuộng chức, chuộng quyền trong xã hội, chừng đó khó mà dẹp được vấn nạn hối lộ núp bóng tặng quà.

Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì trước hết phải xây dựng một nền hành chính công trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, loại bớt những thủ tục rườm rà, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với trách nhiệm giải trình.

Mặt khác, khi quyền lực được giám sát chặt chẽ, huy động sức mạnh của dân trong giám sát, cộng thêm cơ chế kiểm soát đủ mạnh, thì “ung nhọt” tham nhũng đến từ quà tặng biến tướng chắc chắn sẽ bị tiêu diệt./.

Bài mới
Đọc nhiều