Khi phóng viên thể hiện “quyền lực” quá trớn
Trong những năm qua, việc đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận luôn được Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Tầm quan trọng của nhiệm vụ này được thể hiện thông qua việc Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) để quy định cụ thể về quyền tự do báo chí; quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; công tác quản lý nhà nước về báo chí…
Để thống nhất trong nhận thức và hành động trên cơ sở Luật Báo chí 2016, ngày 16/12/2016, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với những phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, các cơ quan báo chí đã có những đóng góp to lớn vào việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, duy trì và phát huy quyền làm chủ của người dân, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những phóng viên, nhá báo chân chính, có đạo đức nghề nghiệp, có tâm với sự phát triển của đất nước thì vẫn còn có một vài cá nhân lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí để thể hiện “quyền lực” quá trớn, với nhiều mục đích không rõ ràng. Cụ thể, tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, trong ngày 20/08/2020 có 2 người lạ, tự xưng là phóng viên báo Điện tử Tầm Nhìn, ở Hà Nội đến Khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đến làm phóng sự điều tra về môi trường, qua đó lôi kéo, kích động tập hợp người dân.
Đáng chú ý, trong thời điểm cả nước căng mình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng khi chính quyền địa phương đến yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân và tiến hành khai báo y tế thì 2 người này không chấp hành, họ cho rằng là phóng viên đã khai báo tại sân bay thì không cần phải khai báo khi đến địa phương. Phải mất hơn 3 giờ giải thích, vận động (từ 16h30 đến 19h30), chính quyền địa phương mới “đưa” được 2 người này về trụ sở UBND thị trấn Củng Sơn để tiến hành khai báo y tế theo đúng quy định công tác phòng chống dịch Covid-19.
Qua kiểm tra được biết 2 trường hợp trên là Mai Xuân Bắc và Nguyễn Ổi, cả hai đều không có thẻ nhà báo mà chỉ có Giấy giới thiệu của Tổng biên tập báo Điện tử Tầm Nhìn. Mặc dù, có giấy giới thiệu đến Huyện ủy, UBND huyện nhưng ông Mai Xuân Bắc và ông Nguyễn Ổi không đến cơ quan để làm việc mà lại vào Khu phố Đông Hòa, Thị trấn Củng Sơn để kích động, lôi kéo người dân tụ tập gây mất an ninh trật tự.
Qua sự việc ở Khu phố Đông Hòa, TT Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên có thể nhận thấy “quyền lực” quá trớn của hai phóng viên Mai Xuân Bắc và Nguyễn Ổi, thể hiện ở ba vấn đề sau:
Thứ nhất: Xưng là phóng viên mà lại không xuất trình giấy tờ khi chính quyền địa phương kiểm tra, không chấp hành đúng quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, là người đến từ vùng có dịch nhưng không thực hiện khai báo y tế theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thứ hai: Lợi dụng danh nghĩa phóng viên để lôi kéo, kích động người dân, tập trung đông người gây mất ANTT, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Thứ ba: Căn cứ thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin truyền thông thì tôn chỉ, mục đích của báo Điện tử Tầm Nhìn là: Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp; thông tin tư vấn kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, phổ biến các kinh nghiệm làm giàu chân chính, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự phát triển của đất nước Việt Nam. Như vậy trong mục đích hoạt động không có làm phóng sự điều tra về môi trường.
Với những việc làm trên, thiết nghĩ Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp củạ phóng viên, nhà báo có được 2 phóng viên Mai Xuân Bắc và Nguyễn Ổi thực hiện nghiêm túc chưa, hay họ đã tự cho mình cái “quyền lực” quá trớn để vì mục đích khác.
Trung Sơn
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả