Khi những người lính thời bình phải ngã xuống bởi cái gọi là “thuỷ điện”
13 người đi tìm những công nhân mất tích. Một đêm trú trong trạm kiểm lâm giữa rừng, một khối lượng đất đá tương đương nửa ngọn núi đổ xuống, ngay tại trạm, san bằng tất cả, kéo theo 13 mạng người… Trong 13 con người xấu số ấy, có đến 11 người là bộ đội, 2 người còn lại gồm 1 chủ tịch huyện và một phóng viên. Họ cùng đi thực hiện nhiệm vụ: cứu hộ những công nhân còn mắc kẹt trong mưa lũ.
Hơn một ngày trước chúng ta cùng ngồi để cầu xin một phép màu, rằng họ đang ở đâu đó và chỉ là vấn đề mất liên lạc thôi…
Ngay sáng hôm qua, khi đoàn cứu hộ mới đến, nhìn bãi tan hoang – mà nơi đó trước đây – là trạm kiểm lâm, đoàn đã gọi vang “có ai đó không?” “Ai ở đó lên tiếng đi”…, ” tất cả chìm vào im lặng!”. Cái im lặng tương tự tôi từng được nghe kể một lần trước đây, ám ảnh lắm: sau khi một quả bom trút xuống căn hầm ở ngã ba Đồng Lộc nơi có 10 TNXP trú ẩn, ông Nguyễn Thế Linh, thủ trưởng của các cô gái, cũng gọi: “Các em ơi, lên tiếng đi các em”. Mấy chục năm trôi qua, cái im lặng nghiệt ngã ấy lại lặp lại, trong số phận của những người lính.
Nói cảm xúc gì lúc này đây? Đau – rõ rồi. Buồn – rõ rồi. Hầu hết các anh ấy, đều là đồng đội của tôi, và có người là đồng nghiệp của tôi. 13 cuộc đời ngay lập tức bị tước đoạt bởi đống đất đá. Đất đá ấy là thiên tai. Nhưng đất đá ấy cũng là “nhân tai”
Năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thuỷ điện nhỏ với 8 thuỷ điện được ưu tiên, trong đó, có 4 thuỷ điện nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền mà những thuỷ điện ác nghiệt đợt này đều có tên ở đây cả.
200 ha rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, thuộc vùng lõi và khu vực cần phục hồi sinh thái, đã phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thuỷ điện.
Vâng, thi công thì đúng quy trình. Cái gì thuộc về thuỷ điện giờ cũng đều “đúng quy trình” cả. Đúng quy trình là tàn phá rừng, làm thay đổi dòng chảy, khiến thảm hoạ thiên tai xảy đến nhiều hơn. Lũ đến, thì thuỷ điện lại xả lũ, hàng loạt của cải mạng người bập bềnh trong nước. Cũng đúng quy trình nốt.
Và giờ thì đó, giờ thì đất lở, và bao mạng người. Những người lính thời bình phải ngã xuống – bởi cái gọi là “thuỷ điện”!
Tự dưng nghĩ về cảnh mạng người vô tội phải mất đi như vậy, vì cái chữ “thuỷ điện”, thấy đau quá, thấy mất mát quá mà cũng thấy rùng mình quá. Rừng mất. Tài nguyên bị can thiệp thô bạo, lãng phí và thay đổi hiện trạng. Dân thì đến mùa là sống bập bềnh trên nước. Rồi những người lính hy sinh. Ai chịu trách nhiệm?
Ừ thì thiên tai có từ ngàn đời nhưng nhân tai thì có từ bao giờ? Trời gây ra thiên tai còn cái “nhân tai” này thì kẻ nào gây ra? Ai trả lại những đồng đội cho tôi mà chắc chắn họ phải được sống vui trong thời bình, họ không đáng phải hy sinh như thế này? Ai trả lại cho những người vợ, những người con những ông chồng, ông bố? Ai trả lại cho cuộc đời những hạnh phúc bị tước đoạt?
Tiện hỏi thì cũng hỏi luôn: Ai trả lại sự bình thường cho thiên nhiên và sự bình thường trong đời sống người dân, nhất là những mùa mưa lũ tới? Ai? Chắc không kẻ nào trả lời đâu. Sẽ lại là những sự im lặng. Sự im lặng ấy còn đáng sợ hơn cái chết vì nó là nguyên nhân của cái chết.
Đau lắm, người lính của đất nước ơi!
Hoàng Nguyên Vũ
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả