+
Aa
-
like
comment

Khỉ nhiễm Covid-19 tự tạo miễn dịch – thêm hy vọng cho vắc-xin

17/03/2020 10:53

Một số thí nghiệm trên khỉ đã tìm ra dấu hiệu cho thấy những cá thể hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 sẽ hình thành miễn dịch – phát hiện quan trọng cho việc tạo vắc-xin.

Giới khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua với thời gian để bào chế vắc-xin phòng Covid-19, và thử nghiệm lâm sàng có thể được bắt đầu ở Trung Quốc và Mỹ trong vòng một tháng.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra động vật có thể nhiễm Covid-19 qua đường mắt, một điều đáng lo ngại vì đồng nghĩa với việc đeo khẩu trang không hoàn toàn bảo vệ được con người, theo South China Morning Post.

Trước đó, đã có một số lo ngại sau khi có những ca âm tính với virus corona, được ra viện để rồi lại dương tính chỉ vài ngày sau. Tỷ lệ đó là khoảng 0,1-1% trên toàn Trung Quốc, theo truyền thông nhà nước, nhưng ở một số nơi như Quảng Đông, có tới 14% số bệnh nhân ra viện sau đó lại dương tính.

Lo ngại nằm ở chỗ nếu đúng là các bệnh nhân trên bị nhiễm lại cùng chủng virus corona ban đầu, thì vắc-xin có thể sẽ không hiệu quả. Nhưng nghiên cứu của Học viện Y học Trung Quốc trên khỉ, công bố ngày 14/3 trên trang bioRxiv, dành cho các nghiên cứu đang chờ bình duyệt (peer-reviewed), có thể làm giảm đi nỗi lo này.

Khi nhiem Covid-19 tu tao mien dich - them hy vong cho vac-xin hinh anh 1 9e54c948_677f_11ea_9de8_4adc9756b5c3_image_hires_212102_AFP.jpg
Nhóm nghiên cứu cho bốn con khỉ rezut nhiễm Covid-19 để tiến hành thí nghiệm. Ảnh: AFP.

Nhóm nghiên cứu cho bốn con khỉ rezut nhiễm Covid-19. Ba ngày sau chúng bị sốt, khó thở, chán ăn, sụt cân. Đến ngày thứ 7, virus đã lan toàn thân và phá hoại mô phổi đối với một con khỉ.

Nhưng các con khỉ còn lại dần bình phục, hết triệu chứng. Một tháng sau, sau khi chúng xét nghiệm âm tính, hai con khỉ này lại bị cho nhiễm virus trong cả tháng. Thân nhiệt của chúng chỉ tăng nhẹ, mọi thứ khác bình thường.

Hai tuần sau, các nhà khoa học không tìm thấy dấu hiệu virus trong cơ thể chúng, nhưng mức kháng thể khá cao, cho thấy hệ miễn dịch đã sẵn sàng chống lại bệnh.

Giáo sư Qin Chuan, đại diện nhóm nghiên cứu, lập luận rằng việc một số người bệnh dương tính trở lại sau khi âm tính có thể do các nguyên nhân khác, chẳng hạn sai sót khiến xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính, chứ chưa hẳn là do bệnh nhân nhiễm bệnh lại.

Giáo sư Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc, vào tuần trước nói cơ thể các bệnh nhân đã hồi phục có mức kháng thể cao, và cho rằng họ khó bị lây virus lại.

“Nhưng câu hỏi hiện nay là liệu những người tiếp xúc gần và gia đình có bị nhiễm bệnh hay không nếu bệnh nhân lại dương tính trở lại. Đến nay tôi chưa thấy bằng chứng”, ông Chung nói.

Dù vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn cẩn trọng. Từ ngày 5/3, mọi bệnh nhân ra viện cần phải ở lại cơ sở cách ly thêm hai tuần.

Một bác sĩ tại bệnh viện công ở Bắc Kinh cho biết các thí nghiệm đem lại thông tin quý giá, vì gen của khỉ gần với con người, nhưng “những gì xảy ra ở khỉ chưa chắc xảy ra với con người”.

Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu của giáo sư Qin tìm thấy bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm bệnh qua đường mắt. Ông và các cộng sự nhỏ dung dịch có chứa virus vào mắt của hai con khỉ. Họ bất ngờ khi không phát hiện virus trên mắt khỉ trong ngày hôm sau, nhưng vài ngày sau, cả hai con đều dương tính. Thử nghiệm kỹ hơn, họ phát hiện ra virus đã đi theo tuyến lệ rồi vào phần trên của cổ họng.

Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu cho rằng mọi người nên nhận thức tốt hơn về việc bảo vệ mắt. Họ nói nguy cơ lây lan có thể được giảm bằng cách “rửa tay thường xuyên và đeo bảo hộ mắt khi tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc ở các nơi đông người, đặc biệt đối với các y bác sĩ”.

Trọng Thuấn/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều