Khi người giàu “xin” đồ từ thiện: Đừng để túi gạo cướp đi nhân cách!
Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đất nước đang gặp nhiều khó khăn như thế này, nếu không thực sự khó khăn, xin để dành những món đồ từ thiện cho người nghèo. Đó là những chia sẻ của nhiều nhóm, nhiều nhà từ thiện trong những ngày qua, khi mà nhiều cửa hàng từ thiện lại có những nhóm người đến lấy là những người đi xe ga, ăn mặc lịch sự,… vẫn dừng lấy đồ từ thiện chỉ phát riêng cho người nghèo, thậm chí có những người còn lấy chất đầy xe như tại TP. Biên Hoà (Đồng Nai).
Mới đây, để chia sẻ khó khăn với những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội như người bán vé số, người nhặt ve chai, người nghèo, lang thang cơ nhỡ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Nhiều cá nhân ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” bằng cách phát những phần cơm, những phần lương thực cho những ai cần.
Người hảo tâm cũng treo bảng và nói nhắn nhủ: “Nếu khó khăn, xin nhận 1 phần, nếu ổn rồi xin nhường cho người khác”. Tuy nhiên, khi một cửa hàng bán thực phẩm ở đường Đồng Khởi, khi vừa chuẩn bị xong 300 xuất quà gồm gạo, mì gói thực phẩm. Nhưng không lâu sau, những người đến lấy phần lớn lại là những người đi xe máy, không chỉ có lấy 1 phần mà họ lại cố gắng lấy càng nhiều càng tốt. Chính vì thế mà chỉ trong chốc lát mọi gói quà từ thiện đã bị lấy đi hết.
Sự việc này gây hết sức phẫn nộ cho chủ nhà và những người chứng kiến, những hành động tham lam đã gây nên hình ảnh xấu trong mùa chống dịch COVID-19 của những người thiếu ý thức.
Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã phát lương thực miễn phí tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để giúp người nghèo vơi bớt khó khăn.
Nhưng tất cả các hình ảnh xấu này ở các địa phương trên cũng đều xuất hiện một bộ phận người đi xe máy, ăn mặc lịch sự đến lấy đồ từ thiện. Khi các chủ nhóm từ thiện kêu gào, xin hãy nhường cho nhóm người yếu thế và khi điều này khi đăng tải mạng xã hội đã nhận được không ít sự phẫn nộ của cộng đồng mạng về nhóm người tham lam.
Cũng chính vì lý do này mà các điểm phát đồ ăn miễn phí ở Hà Nội “Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn hãy lấy một gói mỗi ngày” đã phải tạm dừng. Một phần vì lý do là ai bảo đảm công tác chống dịch COVID-19, nhưng cũng có phần lý do từ việc từ thiện này đã không đúng đối tượng cần giúp đỡ, thay vào đó phần lớn là những kẻ tham lam.
Đây không phải là lần đầu tiên trong xã hội chúng ta có những hiện tượng xấu xí như thế. Mà câu chuyện tủ quần áo 0 đồng, tủ quần áo ấm cho người vô gia cư ở nhiều địa phương. Nhưng thực chất đã có không ít kẻ đi xe máy đến đó để canh đồ từ thiện, lấy những bộ quần áo còn mới, phù hợp với bản thân để sử dụng, rồi bỏ lại là những đám quần áo mà họ bỏ lại vứt đầy dưới chân tủ.
Phải khẳng định, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đặc biệt quan tâm tới người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng dễ tổn thương trong xã hội.
Cùng với Đảng, Nhà nước thì cộng đồng và nhân dân cả nước đã thành lập không ít những nhóm từ thiện, thiện nguyện trên khắp cả nước để bảo vệ những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Trong đợt dịch COVID-19, thực hiện lời kêu gọi của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng cùng chung tay bảo vệ nhóm người yếu thế, ngoài chính sách hỗ trợ cho nhóm người này. Thì Chính phủ còn kêu gọi nhân dân cả nước cùng ủng hộ người nghèo, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn theo giá trị truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh… và các địa phương trên cả nước đã có các chương trình thiện nguyện như: may khẩu trang tặng người nghèo, ủng hộ suất ăn cho người nghèo được nhiều tổ, nhóm thiện nguyện, cá nhân phát động thu hút sự chung tay chia sẻ của cộng đồng.
Khi mà cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được biết đến là người đạp xe lên xã xin thoát nghèo năm 2019. Khi nghe lời kêu gọi của Thủ tướng đã ủng hộ 2 triệu đồng để cùng Chính phủ chung tay chống dịch.
Khi mà mẹ Liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (SN 1933, trú tại thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Cụ xách 5kg gạo đến khu vực cách ly để ủng hộ địa phương trong phòng chống dịch.
Và hàng trăm nghìn những tấm gương chung tay ủng hộ chống dịch từ các cá nhân, tổ chức, thì những hình ảnh xấu xí của những kẻ vơ vét đồ từ thiện, tham lam kia lại là một trong những điều cần phải lên án và không thể chấp nhận được.
Xã hội càng lên án, thì hành động xấu xí, phản cảm sẽ càng được xoá bỏ. Khi mà hàng trăm nghìn người trong xã hội đang cần giúp đỡ, thì những kẻ tham lam đó càng phải lên án. Bởi những kẻ đến nhận không thực chất là người nghèo khó, thì khi lấy những gói từ thiện lại đánh mất cơ hội cho những nhóm người thực sự cần được giúp đỡ.
Đinh Lực
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)