+
Aa
-
like
comment

Khi người giàu cũng “bỏ xứ”: Kinh tế TQ lớn thứ 2 thế giới, vì sao nhiều người vẫn quyết ra đi, dù mạo hiểm cả tính mạng?

26/10/2019 06:59

Vụ 39 thi thể (mà theo cảnh sát Anh là người Trung Quốc) được phát hiện trong container tại một khu công nghiệp ở Anh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn nhập cư trái phép.

Khi người giàu cũng "bỏ xứ": Kinh tế TQ lớn thứ 2 thế giới, vì sao nhiều người vẫn quyết ra đi, dù mạo hiểm cả tính mạng?

Vụ 39 thi thể được phát hiện trong container tại Khu công nghiệp Waterglade thuộc quận Essex, Anh hôm 23/10 đã gây chấn động không chỉ tại nước này, mà cả trên toàn thế giới, đồng thời là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà chức trách địa phương về các băng đảng buôn người vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Hiện chưa có nhiều thông tin về danh tính của các nạn nhân, và cách họ đã được “vận chuyển” từ một nơi xa xôi trong thùng xe container chứa hàng lạnh tới nước Anh. Tuy nhiên, ngày hôm qua (24/10), cảnh sát Essex đã phát thông cáo xác nhận rằng cả 39 nạn nhân này đều là công dân Trung Quốc.

Vụ việc ngày 23/10 đã gợi nhớ vụ việc kinh hoàng tương tự từng xảy ra tại Anh năm 2000, với số thi thể được phát hiện là 58 người Trung Quốc nhập cư trái phép, cũng bị “đông lạnh tới chết” theo cách tương tự.

Khi người giàu cũng bỏ xứ: Kinh tế TQ lớn thứ 2 thế giới, vì sao nhiều người vẫn quyết ra đi, dù mạo hiểm cả tính mạng? - Ảnh 1.
Lực lượng pháp y khám nghiệm hiện trường vụ việc hôm 23/10. Ảnh: AFP/Getty.

Thế nhưng, vì sao những công dân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại lựa chọn (hoặc bị ép buộc) đánh đổi cả mạng sống của mình để nhập cư trái phép vào Anh như vậy? Hãng tin CNN (Mỹ) mới đây đã có lời giải thích rất cặn kẽ về vấn đề này.

Những con số “ấn tượng”

Theo Viện Chính sách Di trú (MPI), trong số 258 triệu người di cư trên thế giới, có đến 10 triệu người là công dân Trung Quốc, tương ứng với vị trí thứ 4 trong danh sách các quốc gia có nhiều người di cư nhất thế giới.

Trong số 10 triệu người Trung Quốc di cư kể trên, có gần 2,5 triệu người nhập cư vào Mỹ, trong khi đó tại Canada và Australia lần lượt là 712.000 và 473.000 người.

Theo MPI, tốc độ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây đã gia tăng đáng kể “dấu ấn kinh tế và địa chính trị” của nước này trên toàn cầu.

Ví dụ, tại Vương quốc Anh, chỉ trong năm 2018. có đến hơn 730.000 thị thực đã được cấp cho công dân Trung Quốc, chiếm 25% trong tổng số thị thực đã được chính phủ nước này cấp cho công dân nước ngoài, tăng 11% so với năm 2017.

Có thật là chỉ người nghèo ở Trung Quốc mới di cư hay không?

Nhiều người ngộ nhận rằng những người di cư thường là người nghèo – tầng lớp ở đáy xã hội; họ thường tìm kiếm các công việc không yêu cầu tay nghề cao, hoặc đơn giản chỉ là chạy trốn khỏi cảnh khốn cùng. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, đặc biệt là đối với những người di cư mang quốc tịch Trung Quốc, theo CNN.

“Những người di cư từ Trung Quốc đến từ đủ các thành phần và tầng lớp trong xã hội, đó có thể là một lao động tay nghề thấp, nhưng cũng có nhiều trường hợp có tay nghề cao”, một đại diện của MPI nói với CNN.

Thông thường những người di cư từ các nước tới châu Âu và Mỹ không hẳn là “những người nghèo nhất”, người này nói, vì để di chuyển tới những nơi này, họ phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ, dù đó là con đường hợp pháp hay bất hợp pháp.

“Nếu là con đường hợp pháp, thì số tiền đó sẽ được dùng để làm hộ chiếu, xin visa. Nhưng nếu là con đường bất hợp pháp, thì các băng đảng buôn người thường sẽ đòi trả phí rất cao”, đại diện của MPI cho biết.

Khi người giàu cũng bỏ xứ: Kinh tế TQ lớn thứ 2 thế giới, vì sao nhiều người vẫn quyết ra đi, dù mạo hiểm cả tính mạng? - Ảnh 3.
Cảnh sát canh gác hiện trường vụ 39 thi thể “đông lạnh” được phát hiện. Ảnh: Getty

Người giàu ở Trung Quốc cũng di cư

Như đã nói ở trên, việc người Trung Quốc di cư và nhập cư vào các quốc gia khác trên thế giới cũng có nhiều hình thức khác nhau tùy vào đối tượng.

Theo một chuyên gia về vấn đề này, những người có tri thức và tay nghề cao có thể nhập cư vào các quốc gia có thu nhập cao như Mỹ, và đối tượng này sẽ làm việc trong các ngành khoa học, kĩ thuật hay môi trường học thuật.

Trong khi đó, những người lao động tay chân, tay nghề thấp sẽ lựa chọn các quốc gia tại châu Phi hay Đông Âu, nơi họ có thể kiếm tiền từ các công trường xây dựng.

Hai nhóm này cũng có sự chênh lệch về số lượng. Theo MPI, có từ 10-20% số người di cư của Trung Quốc đang ở châu Phi, và xuất thân, tầng lớp xã hội, độ tuổi và nghề nghiệp của những người này cũng rất đa dạng – từ các nhà ngoại giao cho đến các công nhân kiếm tiền từ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, cũng có nhiều người di cư Trung Quốc là du học sinh, đặc biệt là tại Anh. Theo nhà kinh tế học Christian Dustmann của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích vấn đề Di trú, có rất nhiều du học sinh Trung Quốc tại Anh là con nhà giàu. “Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để trang trải học phí và sinh hoạt phí tại những thành phố đắt đỏ như London”, ông Dustmann nói với CNN.

Nền kinh tế “trong bóng tối” của Italia

Theo một báo cáo năm 2018 của chính phủ Anh về vấn nạn nô lệ thời hiện dại, Trung Quốc là một trong số 4 quốc gia đầu bảng về số người là nạn nhân của vấn nạn này tại Anh (chính Vương quốc Anh cũng nằm trong top 3 đầu bảng). Năm 2017, có 293 trường hợp là nạn nhân của vấn nạn nô lệ thời hiện đại tại Anh được xác nhận là công dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Dustmann, số người Trung Quốc nhập cư trái phép tại Anh vẫn khá nhỏ nếu so với các quốc gia Địa Trung Hải như Tây Ban Nha và Italia, vì con đường nhập cư vào Anh được kiểm soát chặt chẽ hơn.

“Tất cả các quốc gia châu Âu đều có người Trung Quốc nhập cư trái phép”, chuyên gia này cho biết. “Trong đó, Italia là một trong các quốc gia có nhiều người Trung Quốc nhập cư trái phép nhất. Họ chính là nguồn nhân lực chính trong ngành công nghiệp dệt may tại Italia – nơi họ chỉ nhận được mức lương bèo bọt nhưng vẫn phải chấp nhận. Italy có một nền kinh tế ‘trong bóng tối’ rất lớn, nơi có rất nhiều lao động là người nhập cư từ Trung Quốc và Trung Đông”.

Sự bùng nổ kinh tế dẫn tới tình trạng bất bình đẳng

Năm 2018, lực lượng biên phòng Mỹ đã bắt giữ 1.077 người Trung Quốc dự định vượt biên trái phép, trong khi đó số người Trung Quốc bị bắt giữ tại biên giới Mỹ năm 2016 là 2.439. Vậy tại sao có nhiều công dân Trung Quốc sẵn sàng mạo hiểm như vậy?

Tại Trung Quốc, sự bùng nổ kinh tế đã tạo ra làn sóng di cư từ vùng nông thôn lên các thành phố lớn, trong khi cải cách lương hưu cũng giúp đưa nhiều người thoát khỏi diện nghèo.

“Trung Quốc đã phát triển thần kì, và số người nghèo cũng đã giảm đáng kế khi điều kiện kinh tế được nâng cao. Tuy nhiên chưa thể khẳng định sự phát triển mạnh mẽ này có thể được duy trì trong tương lai”, ông Dustmann nói. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều được hưởng lợi bình đẳng.

Cụ thể, theo một chuyên gia, Trung Quốc ngày nay dù giàu mạnh hơn nhưng xã hội lại trở nên bất bình đẳng hơn trước, khi khoảng cách giàu – nghèo ngày càng dãn rộng và cơ hội thường không được chia đều cho tất cả mọi người.

Nạn buôn người

Theo thông tin của MPI, người Trung Quốc di cư vì rất nhiều lí do, trong đó bao gồm những áp lực trong nước như chính sách một con, hay mong muốn học tập ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều lựa chọn con đường chính đáng. Do cơ hội có hạn, nhiều người đã tìm đến những đường dây buôn người, vận chuyển người trái phép.

Giới chức và cảnh sát địa phương vẫn chưa xác định vụ việc hôm 23/10 có thuộc đường dây buôn người hay không, nhưng họ đã nhanh chóng mở cuộc điều tra và tiến hành thẩm vấn tài xế xe container.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi đây là thảm kịch “không thể tin nổi”, và ông cũng đã thúc giục các lực lượng chức năng mau chóng tìm ra những kẻ liên quan tới cái chết bi thảm của 39 nạn nhân này.

theo Trí Thức Trẻ

Bài mới
Đọc nhiều